Multimedia Đọc Báo in

Phát hiện và điều trị sớm bệnh hen phế quản ở trẻ

06:52, 18/09/2022

Hen phế quản là bệnh viêm mãn tính đường hô hấp rất phổ biến trên thế giới và đang có xu hướng tăng cao ở nước ta với số người mắc bệnh chiếm khoảng 5% dân số. Trong đó, tỷ lệ trẻ em mắc hen phế quản chiếm 8 - 12%, tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi 12 - 13 tuổi.

Do đó, việc phát hiện và điều trị bệnh hen phế quản càng sớm ở giai đoạn đầu sẽ kiểm soát được bệnh và không làm bệnh phát triển nặng thêm.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong do hen phế quản đang tăng rất nhanh, mỗi năm thế giới ghi nhận hơn 250.000 trường hợp tử vong do hen.

Tuy nhiên, có đến 85% các trường hợp tử vong có thể phòng tránh nếu được chẩn đoán, phát hiện và điều trị kịp thời. Trong số bệnh nhi đến khám, điều trị tại khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), có 20% trẻ mắc bệnh hen, trong đó trẻ em thành thị chiếm hơn 10%. Trẻ thường nhập viện trong tình trạng ho dai dẳng, thở khò khè, thở gắng sức; nặng ở lồng ngực...

Cách tốt nhất để chẩn đoán chính xác bệnh hen suyễn là thực hiện tầm soát hen. Ảnh: Đình Thi

Các chuyên gia cho rằng, hen phế quản là căn bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là nhóm trẻ em và người cao tuổi. Bệnh gây ra do nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau hoặc là sự phối hợp giữa nhiều yếu tố, trong đó, tác nhân dị ứng là nguyên nhân thường gặp nhất. Tác nhân gây bệnh là nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm VA…; khói thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là hen suyễn. Môi trường làm việc nhiều khói bụi có thể làm gia tăng khả năng mắc bệnh hen. Các chất dị ứng trong gia đình như lông chó, mèo, chim cảnh, chăn lông, phấn hoa, nước hoa, thuốc xịt côn trùng, bụi kim loại, hơi sơn... là những chất gây kích hoạt các cơn hen phế quản.

Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, nguyên tắc trong điều trị và phòng ngừa bệnh hen suyễn là cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như: Vật nuôi, mạt nhà, gián, cây trồng và phấn hoa, ẩm mốc, khói thuốc, hóa chất, một số loại thức ăn. Tránh tiếp xúc với lông của vật nuôi: chó, mèo, chim cảnh… Đeo khẩu trang khi ra đường để tránh các thành phần khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất độc hại trong không khí. Thường xuyên lau dọn nhà cửa, hút bụi bẩn, giặt giũ chăn, ga, gối, đệm để tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh. Thực đơn hằng ngày cần bảo đảm cung cấp đầy đủ những dưỡng chất cần thiết như chất đạm, chất béo, chất xơ. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các thực phẩm tăng sức đề kháng cho cơ thể, đặc biệt là các loại trái cây giàu vitamin C như: cam, bưởi, chanh; rèn luyện thể dục thường xuyên cũng là cách phòng ngừa bệnh hen suyễn rất tốt. Tuy nhiên, tránh tập luyện lâu ngoài trời lạnh hoặc tập quá sức bản thân. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh. Cách tốt nhất để chẩn đoán chính xác bệnh hen suyễn là thực hiện tầm soát hen.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc