Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn sự học vùng sâu (Kỳ cuối)

08:29, 22/11/2022

Kỳ cuối: Ở đâu có học trò, ở đó có thầy cô

Như muốn bù đắp những thiệt thòi, thiếu thốn của học sinh vùng sâu, nhiều thầy cô giáo đã dành hết tâm huyết, tình yêu thương và trách nhiệm cho học trò. Thật đáng trân trọng biết bao những nhà giáo đã hy sinh hạnh phúc bản thân cho tương lai con trẻ hay cả đời lặng thầm gieo chữ ở vùng xa.

Thầy giáo chưa vợ có... một đàn con

Đoạn đường hàng chục cây số từ trung tâm huyện Ea Súp vào thôn Bình Lợi, xã Cư M’lan nhiều chỗ bị xói lở tạo nên những vũng lớn, có đoạn dốc, bùn đất ngập đến lốc máy, chiếc xe máy cài số 1 nhưng phải một người điều khiển, một người đẩy mới qua được. Có nhiều đoạn đường đỡ lầy hơn thì lởm chởm đá, chỗ thì trơn trượt khiến xe liên tục quay ngang. Đó là những cung đường mà thầy cô giáo tại điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Cư M’lan phải vượt qua để mang "con chữ" đến học trò.

Ngoài trời mưa rả rích, trong lớp học, thầy giáo Nguyễn Hồng Quân (SN 1991), đang say sưa giảng bài. Thầy Quân chia sẻ, hai năm sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Hà Nội, năm 2009 thầy bắt đầu vào nghề giáo, công tác tại một trường tiểu học ở xã Ia Lốp. Năm 2015, thầy được điều về Trường Tiểu học Cư M’lan và phân công dạy xóa mù chữ cho người dân ở thôn nằm giữa rừng sâu này. Nhớ lại những ngày đầu về đây, lúc đó đường vào thôn chỉ là lối mòn nhỏ, khúc khuỷu, chỉ vừa lốp xe để đi và phải qua một chặng đò. Lúc đó, lớp xóa mù chữ chỉ có hai phòng học, 3 giáo viên và 40 học sinh. Điều để lại ấn tượng khó phai trong lòng thầy là được dạy những học sinh đáng tuổi bố mẹ mình, trò lớn tuổi nhất đã gần lục tuần mà vẫn ê a, say sưa đánh vần.

Các cô giáo ở Trường Tiểu học Cư M'lan (huyện Ea Súp) với bữa trưa đơn giản.
 

Ở các xã vùng sâu, vùng xa điều kiện hết sức khó khăn, tuy nhiên các thầy cô giáo với tâm huyết, yêu nghề, thương trẻ đã nỗ lực lớn để mang con chữ cho các em với tinh thần "ở đâu có học trò, ở đó có thầy cô". Bổn phận người thầy, trách nhiệm và niềm yêu thương học trò của mỗi giáo viên đã tạo nên những thành quả của sự nghiệp trồng người ở huyện vùng sâu này”.

 
Thầy Huỳnh Viết Trung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông

Năm 2016, điểm trường Bình Lợi được chính thức thành lập, thầy ở lại đây tiếp tục dạy học. Học trò của thầy chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng ngày, bố mẹ đi rẫy, các em vượt đường sá sình lầy, khuôn mặt lấm lem, quần áo xộc xệch... nhưng đều đặn ngày ngày mang cơm đến lớp, ngoan ngoãn chăm chỉ học hành. Những hình ảnh ấy ngày càng trở nên quen thuộc, thân thương đối với thầy giáo trẻ. Thầy Quân coi học trò như con mình. Thầy trò gắn bó với nhau không chỉ qua những bài giảng mà cả những bữa cơm ở lớp chỉ toàn rau với mỳ tôm, hay giấc ngủ trưa tạm trên bàn ghế trong phòng học. Cũng vì thương yêu học trò mà hết thời gian biệt phái vào điểm trường này (ba năm), thầy vẫn tình nguyện tiếp tục giảng dạy ở đây và chưa định lấy vợ vì muốn dành nhiều thời gian cho các… "con". Với những giáo viên vùng sâu như thầy, những dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng thật đặc biệt. Quà của học trò tặng thầy cô chỉ là những nắm hoa dại, bó rau, củ sắn... Nhưng với thầy, niềm vui lớn nhất là sự tiến bộ của những học trò nhỏ đáng thương giữa chốn rừng rúi xa xôi này.

Gần 40 năm lặng thầm với giáo dục vùng sâu

Đó là thầy Nguyễn Hồng Thuần, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2 (thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông). Ngần ấy năm gắn bó với giáo dục vùng sâu, thầy đã trải qua nhiều vất vả, khó khăn, nhưng khi nhớ lại vẫn nở nụ cười tươi như một niềm tự hào. Tầm nửa giờ nghe thầy tâm sự chuyện nghề, chúng tôi nghe được hàng chục chữ “vui” từ thầy: “có chuyện này vui lắm”, “20/11 năm đó là vui nhất”, “lại có cái này vui kể cho nghe này”...

Tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Hòa Thắng năm 1983, thầy giáo trẻ đi xe đò về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông nhận công tác và được phân vào dạy học ở xã Krông Bông – một xã vùng sâu của huyện. Thầy nhớ lại, thuở ấy, một mình đi bộ, cầm theo cái xô cùng chiếc ba lô đựng nồi niêu, một ít đồ vặt rồi lần theo đường mòn xuyên rừng vào tá túc và dạy học tại Trường Dân tộc nội trú Krông Bông (nay là THCS Trần Hưng Đạo, xã Cư Drăm).

Những ngày đầu mới bắt đầu đi dạy, nhà nội trú làm bằng tranh nứa, có lần các thầy cô giáo nấu ăn bị cháy, mọi vật dụng, hồ sơ, giấy tờ không còn. Lúc đó thầy đi công tác trên tỉnh mang theo hai bộ quần áo nên khi về mới có cái để mặc. Không để học sinh "đứt" học, các thầy cô giáo phải vào rừng chặt cây, cắt tranh dựng lều dạy học. Đời sống những ngày đó muôn vàn gian khổ, phải đi gần 10 km đường rừng để ra trung tâm xã mua gạo, thức ăn, có lúc không có gạo, phải nấu canh sắn ăn thay cơm...

Năm 1987, xã Krông Bông được tách ra thành ba xã Cư Drăm, Cư Pui và Yang Mao, thầy Thuần được điều về Trường Phổ thông cơ sở Cư Pui. Năm 1995 chuyển đến Trường Phổ thông cơ sở Yang Mao và làm Hiệu trưởng từ năm 1996. Đến năm 2019, thầy về Trường Tiểu học Cư Pui 2 và công tác cho đến nay.

Thầy Nguyễn Hồng Thuần vào các buôn vận động học trò ra lớp đầu năm học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Khi nhắc những câu chuyện về học trò, khuôn mặt ông giáo già dãn ra, mắt long lanh đầy niềm vui, hạnh phúc. Thầy kể, thời gian đầu vào dạy học không hiểu tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, có lần học trò nói câu gì đó xong rồi chạy đi mất tăm khiến thầy rất lo lắng. Sau đó hỏi người địa phương mới biết trò xin về ăn cơm.

Hay lần đầu được học sinh mang cho nải chuối nhưng không dám ăn vì nghĩ người đồng bào hay "bỏ bùa" nên một hai trả lại. Ấn tượng nhất là chuyện cậu học trò người Êđê lớp 9 tại xã Yang Mao khóa năm 1997. Lúc đấy thầy hứa, cứ cố gắng học sau này sẽ xin về cho làm giáo viên.

Quả thật như vậy, ngay sau khi tốt nghiệp, học trò này quay về mang hồ sơ "bắt đền" thầy xin cho vào dạy học. Lúc đó, thầy vừa vui mừng, vừa lo âu. Vui vì học trò đã trưởng thành, lo lắng vì nếu không xin được việc cho các em thì thầy bị mang danh thất hứa.

May mắn là ngay sau đó thầy có ý kiến lên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thì em đó được nhận về dạy tại một trường ở xã Yang Mao. Những kỷ niệm bình dị, nhỏ bé; niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đấy lại chính là động lực để thầy ở lại gắn bó suốt gần nửa đời người với sự nghiệp giáo dục vùng sâu.

Anh Sơn - Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.