Multimedia Đọc Báo in

Hoa đót Trường Sơn

08:08, 28/11/2022

Cuối tháng chín âm lịch vào sâu trong rừng, thốt nhiên thấy hoa đót nở ven sườn núi, ven đường. Những bông hoa trắng ngà đu đưa trước gió như những vũ công làm xiếc bên bờ vực sâu, trong giai điệu vi vu được tấu lên bởi nhạc công gió và nhạc cụ là vô số lá cây rừng.

Hoa đót âm thầm nở trong thung sâu vào tháng chín quả là lạ. Bởi thường thì hằng năm, phải từ giáp Tết, từ ngọn đót phụt ra một bông dài như cái đuôi của con chồn bạch. Hoa đót nở rải rác điểm xuyết trên rừng như thế. Để rồi sau đó, từ tháng giêng đến tháng ba, hoa đót nở tưng bừng, nở trắng xóa cả những mảng sườn, nở như đang viết một trường thiên tiểu thuyết trên trang giấy xanh lá cây rừng thẳm.

 Ngày xưa, thường dịp giáp Tết gió heo may lạnh, đi qua đèo thấy hoa đót nở cùng với ngàn lau. Những cánh hoa đưa lên trời phất phơ trước gió như đang có muôn ngàn bàn tay đưa tiễn người ra đi và đã trở về. Không biết ngày xưa có phải Huyền Trân Công Chúa qua đèo vào mùa gió bất hay không, nhưng câu hát “Chiều chiều dắt bạn qua đèo, chim kêu bên nớ, vượn trèo bên ni” có lẽ còn chưa nhắc đến triệu triệu cánh tay hoa đót tiễn đưa người đẹp đi vào huyền sử của Trường Sơn – Hải Vân.

Bông đót hái về làm chổi.

Hoa đót cũng như hoa lau, hoa mía, hoa tre, đã nở là trắng như tóc tráng sĩ bạc đầu, nở riết róng một lần rồi giã biệt thế gian. Nhưng cái sự nở của hoa đót nó không mang ý nghĩa triết học về lẽ sinh tử như hoa tre, hay mang ý nghĩa thẩm mỹ như bao loài hoa khác, hoa đót nở lại thuần túy mang ý nghĩa nhân sinh: phục vụ đời sống vật chất của con người. Vào mùa đi bẻ đót về làm chổi, sẽ thấy trên các sườn núi, người người đi bẻ đót nhấp nhô như sóng. Một bông đót tốt cho việc làm chổi là bông còn non, màu xanh và chưa nở ra hoa trắng. Cứ khoảng lúc mặt trời xế núi, dễ dàng bắt gặp từng đoàn người gùi trên lưng bó đót nặng trĩu men theo những lối mòn nhỏ đi từ trên rừng xuống, đó là thành quả sau một ngày miệt mài trong rừng thẳm.

Hái đót là công việc không dễ dàng bởi lá đót rất sắc, lỡ chạm vào là đứt da đứt thịt. Đót thường mọc từng bụi, ở nơi có độ dốc cao nên người bẻ đót phải trụ vững hai chân trên sườn núi. Đã thế, những lúc bẻ đót già, bụi hoa bay vào mắt, vào mũi, bám vào người gây ngứa xót. Người bẻ đót giỏi một ngày có khi bẻ được hơn nửa tạ bông đót tươi nhưng đó thật sự là một ngày vất vả.

Vào mùa đót, đi đến các bản làng dọc Trường Sơn, thấy bà con phơi đót ven đường thành những thảm hoa rất đẹp. Những buổi chiều trên sân nhà Gươl, đót tập kết về, đứng trong gùi, chảy theo mái tóc con gái.

Nếu dạo quanh các trang thương mại điện tử nổi tiếng thế giới như Amazon hay Ebay, chúng ta sẽ bất ngờ trước những đánh giá 5 sao và bình luận khen ngợi của khách hàng thế giới về cây chổi đót dân dã của người Việt Nam. Tài khoản Francine bình luận: “Tôi bị đau lưng và hầu hết các cây chổi đều khó sử dụng đối với tôi. Nhưng chổi đót Việt Nam là cây chổi tốt nhất, chỉ cần dùng một tay, không phải cúi người xuống. Lông chổi mỏng và tốt đến mức chúng có thể quét được cả những hạt bụi bẩn nhỏ nhất mà hầu hết các loại chổi “Mỹ” đều bỏ sót”. Hay tài khoản Becky Ellis chia sẻ: “Tôi đã sử dụng những chiếc chổi rơm từ Việt Nam này nhiều năm rồi và sẽ tiếp tục. Nó giống như kiểu tay bạn dài thêm ấy. Tiêu tốn rất ít năng lượng và bao phủ một khu vực rộng chỉ với một nhát quét. Nó sẽ luôn nhận được 5 sao! Tôi thích cây chổi này! Lần đầu tiên nhìn thấy nó tại một tiệm làm tóc, tôi hỏi ngay và đặt hàng”…

Và bây giờ ven trời hoa đót nở trái mùa trong thung sâu Trường Sơn. Bao nhiêu năm tháng đi qua, hoa đót nở cùng với những cuộc mưu sinh nhọc nhằn của đời người. Nhọc nhằn và tiễn đưa, hoa đót trong tôi từ bao giờ đã hình thành hai ý niệm ấy… Cho đến hôm qua, một chàng trai email cho tôi hình một ngọn nến cháy rực sáng cả căn phòng. Cái gì đó biết không? - Một ngọn nến thôi mà - Không phải bình thường đâu, tim của nó em làm bằng cọng đót đấy…

Lại thế nữa, có thể cho vui, nhưng đó cũng là một tìm tòi trong vô số tìm tòi mới mẻ của những con người trẻ trung sau thế hệ tôi. Phải không, hoa đót ven trời?

Thanh ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.