Multimedia Đọc Báo in

Những "con sâu mọt" của toàn cầu

09:56, 01/08/2021

Việt Nam và cả thế giới đang tập trung mọi nguồn lực để chung sức, đồng lòng chống đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, một số tổ chức, cá nhân đã đưa ra những luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch, trong đó có việc Chính phủ Việt Nam kêu gọi người dân, doanh nghiệp, tổ chức đóng góp, hỗ trợ kinh phí mua vắc xin phòng COVID-19.

Trên BBC New Tiếng Việt, một số bài báo đã dẫn lời, bình luận và đưa ra các câu hỏi để tạo những cách hiểu sai lệch như: COVID-19: Dân góp quỹ chống COVID-19 có phải là phép lạ của Việt Nam? Từ khái niệm “chia lửa với Chính phủ”, Chuyển thành “trách nhiệm” của dân”? Tại sao nhận tiền của cụ già, em nhỏ?... Một số “anh hùng bàn phím” thì comment với những lời lẽ vô trách nhiệm: “Việc kêu gọi hay ca ngợi cả những người già cả nghèo khó đóng góp thì thật lố bịch, thiếu nhân văn. Hình như không mấy nước nào làm như vậy”…

Các tổ chức như Chân Trời mới media, Việt Tân thì rêu rao bằng những luận điệu công kích như: “Việt Nam toang rồi. Tình hình dịch bệnh hiện nay ở Việt Nam gần như mất kiểm soát”, “Chính phủ tắc trách làm cho dịch bệnh thêm nghiêm trọng”, “Thành quả ba lần chống dịch trước đây đang bị đổ xuống sông, xuống bể”, “Chính quyền ép buộc người dân đóng góp tiền mua vắc xin”…

Trước sức tàn phá của đại dịch, ngay trên nghị trường Đại hội XIII của Đảng, việc “tập trung kiểm soát đại dịch COVID-19, tiêm chủng đại trà vắc xin COVID-19 cho cộng đồng” đã được xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện ngay sau Đại hội. Với quyết định đó, Việt Nam nằm trong danh sách không nhiều quốc gia trên thế giới sớm có chủ trương tiêm vắc xin trên quy mô lớn. Đó là một quyết định sáng tạo, trách nhiệm và mang tầm chiến lược.

Cán bộ và nhân dân huyện Krông Pắc ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID -19 (đợt 2) số tiền 500 triệu đồng. Ảnh: Hương Hoàng

Theo tính toán của các chuyên gia, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 tiêm cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, với nguồn kinh phí lớn như vậy, phương châm chung sức đồng lòng, "góp gió thành bão" đã được Chính phủ vận dụng với quyết định thành lập Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19 vào ngày 26-5 vừa qua. Một quyết định hợp lòng dân và đã được hưởng ứng nhiệt tình khi chỉ hai tiếng sau khi ra mắt, Quỹ thu được 17,7 tỷ đồng tiền ủng hộ bằng tin nhắn thông qua cổng 1400.

Tại Điều 4, Quyết định số 779/QĐ-TTg, ngày 26-5-2021 về việc thành lập Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định: “Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng”. Từ khi Quỹ ra đời đến nay, trên website của Bộ Tài chính cũng như trên các phương tiện truyền thông, thông tin về số tiền ủng hộ cho Quỹ thường xuyên được cập nhật, đăng tải công khai để người dân theo dõi và dễ dàng giám sát.

Những minh chứng đó để khẳng định rằng, không có việc “Chính quyền ép buộc người dân đóng góp tiền mua vắc xin”, càng không có chuyện “Chính phủ tắc trách làm cho dịch bệnh thêm nghiêm trọng”…

Mỗi quốc gia đã và đang nỗ lực thực hiện đồng thời nhiều phương thức, biện pháp ứng phó với đại dịch; hàng triệu triệu y, bác sĩ cùng nhiều lực lượng khác không quản ngại hiểm nguy, ngày đêm chống dịch, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trong đó có cả an toàn tính mạng của những cá nhân có tư tưởng chống đối, những “anh hùng bàn phím” vô trách nhiệm kia. Nếu không thể làm được gì tốt hơn thì hãy tránh sang một bên, để yên cho người khác làm. Rêu rao bằng những luận điệu bóp méo, xuyên tạc, các comment để tỏ vẻ phán xét, “anh hùng” chỉ càng khẳng định sự hèn kém, ấu trĩ trong tư duy và nhận thức. Đại dịch COVID-19 là cuộc chiến không biên giới, đòi hỏi tư duy toàn cầu, hành động toàn cầu và sự hợp tác toàn cầu để loại bỏ kẻ thù chung: SARS-CoV-2. Những kẻ có nhận thức, hành động hèn kém ấy là “con sâu mọt” không chỉ của riêng quốc gia nào mà của cả toàn cầu.

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.