Multimedia Đọc Báo in

Ngày 30-10, Quốc hội thảo luận về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia

18:30, 30/10/2021

Ngày 30-10, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Đây cũng là ngày làm việc cuối cùng của đợt 1, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Trong phiên làm việc buổi sáng, đa số ý kiến các đại biểu cho rằng, quá trình triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14, ngày 8-11-2016 của Quốc hội đã được thực hiện một cách đúng hướng, bài bản, đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, đã hoàn thành 17/22 mục tiêu, đạt 77,3% tổng số mục tiêu đề ra. Tuy nhiên vẫn còn 5/22 mục tiêu chưa hoàn thành, đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Các vị ĐBQH tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Các vị ĐBQH tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Hầu hết các vị ĐBQH đều nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, áp dụng mô hình kinh tế phù hợp, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để tạo động lực tăng trưởng. Góp ý cho Kế hoạch, các đại biểu đã tập trung vào những nội dung như: cần phải đánh giá, chỉ ra nguyên nhân chủ quan, khách quan và làm rõ tác động của việc không hoàn thành 5/22 mục tiêu của giai đoạn trước, bởi đây đều là những mục tiêu rất quan trọng; cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho các địa phương có liên kết vùng với nhau, qua đó mang lại hiệu quả cao trong liên kết vùng, tạo tiền đề để các địa phương phối hợp với nhau trong các lĩnh vực có lợi thế so sánh, tránh đầu tư dàn trải, làm giảm hiệu quả nguồn lực.

Bên cạnh đó, đề nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ ngân sách dựa trên hiệu quả của từng lĩnh vực có lợi thế như du lịch, nông nghiệp, giáo dục… Đồng thời, hằng năm tiến hành đánh giá để ưu tiên hỗ trợ ngân sách đầu tư phát triển cho đúng lĩnh vực mà địa phương phát huy được hiệu quả kinh tế cao; hoàn thiện các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư để đa dạng hóa loại hình đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên có liên quan, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững…

Đối với dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), các ĐBQH đánh giá cao Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ công phu, kỹ lưỡng, bám sát các căn cứ chính trị, pháp luật, thực tiễn; báo cáo thẩm tra được thực hiện chặt chẽ, đề cập một cách toàn diện, nhiều vấn đề xác đáng. Các ĐBQH đã tập trung thảo luận, góp ý tập trung vào những nội dung, như: cần làm rõ tính kế thừa, phát huy các kết quả của giai đoạn trước và khắc phục những tồn tại yếu kém, đồng thời làm rõ việc bảo đảm các căn cứ khoa học và thực tiễn trong giai đoạn tới; chú ý việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa 2 vụ để bảo đảm an ninh lương thực, góp phần phát triển nông nghiệp với vai trò là một trụ đỡ của nền kinh tế; cân nhắc lại về chỉ tiêu đất rừng, đặc biệt là việc giảm diện tích rừng phòng hộ tại khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hiện trạng sử dụng đất thực tế tại các địa phương, cập nhật để bảo đảm chính xác, phù hợp với thực tế, nghiên cứu thật kỹ lưỡng, khoa học, khách quan, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch khác có liên quan, hạn chế tối đa những chồng chéo, mâu thuẫn; cần phân tích đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động của biến đổi khí hậu đối với các ngành, vùng trọng điểm, dự báo sát tình hình biến động của các loại đất đai để có phương án sử dụng đất linh hoạt, hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, duy trì an ninh lương thực, vừa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu…

Vào ngày 8-11, Quốc hội tiến hành họp đợt 2 tại Nhà Quốc hội (thành phố Hà Nội) dưới hình thức họp tập trung. Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024. Phiên họp này sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.