Multimedia Đọc Báo in

Đến Lai Châu thưởng thức món thịt treo gác bếp

14:02, 26/04/2017

Thực ra món thịt treo khô trên gác bếp vẫn được xem là “món chung” lạ miệng và ngon của các dân tộc miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, mỗi dân tộc lại có cách chế biến, nêm nếm món thịt treo khô trên gác bếp với một khẩu vị rất đặc trưng. Trong đó, món thịt treo khô gác bếp của người Mông ở Lai Châu có hương vị vô cùng đặc biệt khiến ai có dịp thưởng thức đều nhớ mãi.

Người Mông ở Lai Châu thường chế biến rất nhiều món thịt để treo khô trên gác bếp, dùng ăn dần quanh năm, từ thịt trâu, bò, lợn, gà, ngan, ngỗng, thậm chí cả thịt chim... Nhưng phổ biến nhất là món thịt lợn, thịt trâu, bò bởi những loại thịt treo khô này ăn vừa ngon, lại có thể để lâu tới cả một, vài năm mà không bị hỏng.

Nhà người Mông nào ở Lai Châu cũng có giàn thịt treo gác bếp.
Nhà người Mông nào ở Lai Châu cũng có giàn thịt treo gác bếp.

Sau khi mổ trâu, lợn, bò, người ta thường lựa chọn những phần thịt thật ngon như thịt ba rọi, mông, vai, lườn... rồi sơ chế, cắt khúc theo dải dài tùy ý, sau đó bày ra nong, nia cho nguội. Thịt mang chế biến làm khô treo gác bếp không bao giờ mang rửa dưới nước lạnh, mà chỉ dùng khăn vải sạch sẽ lau, thấm khô phần huyết còn đọng lại bởi nếu mang rửa thịt dưới nước thì chất lượng thịt sẽ giảm. Sau đó, thịt được cho vào cối giã cùng với lượng muối vừa đủ để muối ngấm vào thịt,  một chút mắc khén (hạt tiêu rừng), ớt chỉ thiên, vài nhánh tỏi. Tiếp theo, thịt được trộn với một loại men làm từ thân, lá cây rừng. Khâu cuối cùng của công đoạn ướp là thịt được cho vào gùi hay chum, vại ủ kín từ 2  - 3 ngày để muối, gia vị thấm sâu vào thân miếng, thỏi thịt, sau đó người ta dỡ từng miếng, thỏi thịt mang treo lên gác bếp. Thường mỗi miếng, thỏi thịt người ta dùng 1 chiếc móc sắt, một đầu móc vào miếng thịt, một đầu ngoắc vào thanh ngang treo phía trên của bếp đun nấu. Những móc thịt được treo sát nhau và không cách quá xa phần bếp lửa bên dưới.

 Qua thời gian, hơi nóng của bếp lửa sẽ làm cho miếng thịt săn lại, mỡ chảy ra một phần, phần còn lại nhìn rất trong, thịt nạc và da có màu vàng – đỏ thẫm. Để thịt thơm hơn, đồng bào nơi đây còn lấy cây ngải cứu rừng và bã mía về hun thịt để khói thơm ngấm vào khiến thịt có mùi vị rất hấp dẫn. Giai đoạn đầu, khi thịt còn tươi ướt, người ta thường giữ bếp lửa suốt đêm ngày để những móc thịt mới làm đủ nhiệt, đủ khói không bị ôi thiu. Khoảng 1 tháng tính từ lúc mới treo thịt lên, khi thịt đã khô dần thì chỉ cần tận dụng lửa, khói của 3 bữa đun nấu hằng ngày cũng đủ để bảo quản, thịt không thể bị hư hỏng hay giảm chất lượng được nữa.

Món thịt lợn khô treo gác bếp vùi tro nóng  tuyệt ngon.
Món thịt lợn khô treo gác bếp vùi tro nóng tuyệt ngon.

Khi ăn, người ta lấy thịt xuống hơ qua lửa để thịt mềm ra rồi rửa sạch, thái thành từng miếng nhỏ và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: xào với cà chua, kho với lá tỏi hay đơn giản là xào lẫn với rau cải mèo đắng… Hoặc đồng bào mang rửa sạch thịt khô, bọc trong lá chuối tươi, rồi vùi vào tro lửa nóng đủ độ rồi mang ra làm món nhậu lai rai. Vì trong thịt đã khô có đủ đầy gia vị đậm đà, nên khi chế biến làm các món ăn, người ta sẽ nêm thêm rất ít gia vị. Nếu ăn món thịt khô vùi tro nóng thì chỉ cần chấm với tương ớt đã là quá thú vị...

Tôi đã đến Lai Châu nhiều lần và không một lần nào quên thưởng thức các món thịt khô treo gác bếp ở đây vì quá ngon. Bởi vậy, nếu bạn có dịp đến với Lai Châu, đừng bỏ lỡ món ăn độc đáo, lạ miệng và hấp dẫn này...         

       Nguyễn Thị Loan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.