Multimedia Đọc Báo in

Cẩn thận với bệnh rối loạn khớp thái dương hàm

07:56, 13/09/2015
Chứng rối loạn khớp thái dương hàm gây đau ở khớp thái dương, khớp ở hai bên đầu phía trước tai, nơi điểm xương hàm tiếp ứng sọ - khớp này cho phép nhai và ngáp.

Chứng rối loạn khớp thái dương hàm có thể bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm viêm khớp, chấn thương xương hàm, hay cơ bị mỏi do hàm siết chặt hoặc mài răng. Trong hầu hết trường hợp, sự đau đớn và khó chịu liên quan với chứng rối loạn khớp thái dương hàm có thể được giảm nhẹ với việc tự chăm sóc hoặc điều trị nội khoa. Chứng rối loạn khớp thái dương hàm nghiêm trọng có thể cần phải được điều trị bằng can thiệp nha khoa hoặc phẫu thuật.

Một bệnh nhân đang điều trị tại khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Một bệnh nhân đang điều trị tại khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng rối loạn khớp thái dương hàm gồm: Đau hàm, đau nhức trong và xung quanh tai, khó nhai hoặc khó chịu trong khi nhai, đau nhức mặt, cứng khớp làm cho nó khó mở hoặc đóng miệng, nhức đầu, khi cắn khó chịu, cắn không đều. Chứng rối loạn khớp thái dương hàm cũng có thể gây ra tiếng kêu khi mở miệng hoặc nhai. Nhưng nếu không đau hoặc hạn chế hàm, có thể không phải chứng rối loạn khớp thái dương hàm.

Nguyên nhân gây rối loạn khớp thái dương hàm: Sự ăn khớp của các răng không tốt, mất răng lâu ngày không trồng răng giả dẫn đến các răng bên cạnh nghiêng vào khoảng mất răng, răng đối diện trồi xuống, các răng mọc lệch lạc gây xáo trộn sự ăn khớp giữa các răng. Các miếng trám, răng giả làm sai khiến hàm dưới vận động không thoải mái, chấn thương ở khớp thái dương hàm, thói quen siết chặt răng, stress…

Phương pháp điều trị: Trong một số trường hợp, các triệu chứng của rối loạn khớp thái dương hàm có thể tự cải thiện mà không cần điều trị. Nếu các triệu chứng vẫn tồn tại, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc hoặc bảo vệ khớp cắn để giúp giữ cho khỏi tật nghiến răng vào ban đêm. Trong trường hợp rất hiếm, có thể phải phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế các phần khớp.

Tại khoa Răng hàm mặt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), từ đầu năm đến nay có gần 100 trường hợp mắc bệnh rối loạn khớp thái dương hàm. Các bệnh nhân tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 30-50 tuổi và họ bị bệnh bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như do stress, những người có công việc phải nói nhiều… Bác sĩ CK I Nguyễn Thị Anh Phương, Phó Trưởng khoa cho biết: “Để phòng ngừa rối loạn khớp thái dương hàm thì cần chỉnh hình các răng lệch lạc, không để mất răng, vệ sinh răng miệng đúng cách để phòng ngừa bệnh nha chu và bệnh sâu răng. Nếu mất răng cần trồng răng giả càng sớm càng tốt, tránh thói quen xấu như siết chặt răng, nghiến răng, cắn vật cứng. Khi ăn cần nhai hai bên, tránh nhai một bên, không thường xuyên há miệng lớn và lâu, thường duy trì hàm dưới ở tư thế nghỉ, thư giãn cơ, lưỡi đặt mặt trong răng cửa giữa hàm trên, các răng hàm trên và dưới không chạm nhau, giảm stress, tạo lối sống lành mạnh, biết cách thư giãn… Nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị nếu bị đau dai dẳng hoặc đau ở khớp thái dương hàm, bác sĩ chuyên khoa có thể thăm khám và tìm ra nguyên nhân để điều trị thích hợp”.

 Nguyệt Ánh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.