Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Cần lộ trình phù hợp (Kỳ I)

09:24, 08/06/2016

Với khoảng trên 3.000 ca tử vong do đuối nước mỗi năm, tình trạng đuối nước, nhất là đuối nước ở trẻ em của nước ta đã đến mức báo động khẩn cấp. Mặc dù lãnh đạo các cấp, ngành đã có rất nhiều văn bản, ý kiến chỉ đạo về vấn đề này, nhưng bài toán đặt ra là tổ chức thực hiện như thế nào cho có hiệu quả?

Kỳ 1: Nhận diện những nguy cơ

Thiếu kỹ năng tự bảo vệ, nhận diện nguy hiểm và thiếu điểm vui chơi phù hợp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở  trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước.

Nhói lòng lá xanh lìa cành

Hai vụ tai nạn đuối nước trẻ em liên tiếp xảy ra trong vòng chưa đầy 1 tháng trên địa bàn huyện Krông Pắc, vụ nào cũng “chết chùm” khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, đau xót. Ngày 22-3-2016, cả buôn Tà Rầu (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) rúng động bởi vụ đuối nước làm 3 trẻ em tử vong là: Phan Mai Nguyên, Lê Za Hy, Trần Gia Bảo; trong đó, Hy và Bảo là 2 cậu cháu. Các em đều đang học lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh. Hôm ấy được nghỉ học, 3 em rủ nhau đi chơi ở khu vực hục nước của mương dẫn nước đập Krông Búk Hạ, đến khi có người đi ngang bờ mương nhìn xuống hục nước thấy dép, mũ trẻ con rải rác trên bờ mới hoảng hốt tri hô mọi người nhảy xuống tìm thì đã muộn, cả 3 em đã bị đuối nước. Nhận được tin báo, vợ chồng anh Phan Thanh Tự (bố cháu Nguyên) đã bỏ hết công việc, từ Bình Dương vội vã trở về lo hậu sự cho con. Anh Tự xót xa: “Lâu nay tôi cố gắng làm lụng dành dụm để lo cho tương lai của con, nhưng giờ còn có nghĩa gì nữa đâu. Thằng Nguyên khôn ngoan lắm. Nếu ở hục nước sâu và trơn trượt, nguy hiểm thế này mà có biển cảnh báo hoặc rào chắn thì nó không dám xuống chơi đâu”.

Hồ bơi Quý Sơn là một trong những hồ bơi tư nhân hiếm hoi trên địa bàn huyện Krông Pắc.  Ảnh:  Hoa Xuân
Hồ bơi Quý Sơn là một trong những hồ bơi tư nhân hiếm hoi trên địa bàn huyện Krông Pắc. 

Dư luận chưa hết bàng hoàng bởi vụ việc trên thì ngày 1-4-2016 lại tiếp tục xảy ra vụ đuối nước tại xã Ea Kuăng (Krông Pắc) làm 3 trẻ em tử vong, trong đó có 2 chị em ruột là Hoàng Thị Bích Nguyên (SN 2003) và Hoàng Văn Phú (SN 2005). Trưa hôm ấy, Nguyên và Phú rủ 2 chị em nhà hàng xóm là Nguyễn Thị Thanh Thảo (SN 2003) và Nguyễn Thị Thanh Hiền (SN 2007) xuống chơi ở khu vực bố mẹ Thảo trồng rau bên cạnh suối Nước Đục, chẳng may sa chân ra chỗ nước sâu lúc nào không biết. Khi nghe tiếng con kêu cứu, chị Nguyễn Thị Lệ Châu (mẹ cháu Thảo) vội vàng chạy ra suối, nhìn thấy Thảo đang bám vào một nhánh cây liền nhảy xuống đẩy cháu vào bờ và quay lại tìm 3 cháu còn lại. Quá hoảng loạn, chị Châu cũng bị ngạt nước, rất may có một người đi làm thuê ở gần đó phát hiện và cứu được; còn 3 cháu Nguyên, Phú, Hiền đều đã tử vong. Dù đã hơn 2 tháng trôi qua nhưng đối với gia đình chị Châu, nỗi đau vẫn hiện hữu từng ngày bởi cháu Thảo tuy may mắn thoát chết nhưng đã bị hoảng loạn, sang chấn tâm lý mạnh. “Nhìn 3 cái xác nằm bất động bên bờ suối, con Thảo cứ đòi gọi chúng nó dậy đi chơi. Từ ngày em và bạn chết, nó như người mất hồn, không học hành được gì, cứ nói nhảm và không biết cả tên mình. Mỗi tối, nhìn chiếc giường trống đi một chỗ, tôi lại khóc thầm”, chị Châu nghẹn ngào.

Những nguy cơ tiềm ẩn

Quan sát hục nước mương thủy lợi xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc), nơi xảy ra vụ đuối nước làm 3 trẻ em tử vong, chúng tôi không khỏi rùng mình. Thoạt nhìn hục nước có vẻ khá an toàn khi có diện tích rất nhỏ với hơn chục mét vuông, nhưng thực ra mí nước ấy rất hẹp, chỉ cần chệch ra nửa bước là sa ngay xuống thành dốc ta luy bê tông trơn trượt, không có điểm nào để bấu víu. Nguy hiểm là vậy nhưng xung quanh không hề có rào chắn hay biển cảnh báo nguy hiểm.

Trẻ em đi chơi và tắm ở thác Krông Kmar huyện  Krông Bông.
Trẻ em đi chơi và tắm ở thác Krông Kmar huyện Krông Bông.

Ở một số địa phương, mối nguy kiểu những hố nước như vậy không phải là ít. Bên cạnh hệ thống ao, hồ, sông, suối, thác nước nằm rải rác do đặc điểm địa hình của tỉnh còn có khá nhiều đập thủy lợi, hồ nước phục vụ sản xuất và hầu như không có hệ thống rào chắn, biển báo, biển cấm đề phòng nguy hiểm theo quy định. Theo ông Tô Hồng Kiểm, Chủ tịch UBND xã Ea Kuăng (huyện Krông Pắc): “Trên địa bàn xã có trên 100 ao, hồ, sông, suối; nhiều ao, hồ do người dân tự múc để nuôi cá nhưng chưa xây dựng được biển cảnh báo nguy hiểm nào vì khó khăn về kinh phí”. Tương tự, hệ thống kênh mương dẫn nước của đập thủy lợi Krông Búk Hạ chạy qua địa bàn một số xã của huyện Krông Pắc đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn với trẻ em. Đoạn chạy qua địa bàn xã Ea Hiu có chiều dài khoảng 4 km với nhiều hục thoát nước, nước sâu nhưng không có biển cảnh báo nguy hiểm nên đã xảy ra một số vụ đuối nước ở cả người lớn và trẻ em. Được biết, ngay sau khi xảy ra vụ đuối nước làm 3 trẻ tử vong, lãnh đạo huyện đã đến tận nơi thăm hỏi, động viên gia đình, đồng thời chỉ đạo địa phương cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực xảy ra tai nạn, nhưng gần 2 tháng sau vẫn chưa thấy biển cảnh báo. Cũng vì không có rào chắn nên năm 2015 tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng đã xảy ra vụ 3 trẻ em trong một gia đình tử vong trong ao nước khi bố mẹ đi làm rẫy vắng nhà.       

N.Hoa - N.Xuân 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.