Multimedia Đọc Báo in

Những lưu ý trong canh tác, sản xuất lúa vụ đông xuân

09:14, 23/10/2020

Mỗi năm nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất hai vụ lúa chính: vụ mùa (hè thu – thu đông) và vụ đông xuân, với tổng diện tích hơn 94.000 ha. Trong đó, diện tích lúa vụ đông xuân thường chiếm chưa đến 40% tổng diện tích lúa cả năm.

Diện tích lúa ít hơn nhưng năng suất lúa vụ đông xuân thường cao hơn vụ hè thu bình quân chừng 1 tấn/ha bởi vụ đông xuân rơi vào mùa khô, có biên độ nhiệt ngày, đêm cao, ban ngày cường độ của ánh sáng nhiều, tạo điều kiện cho quá trình quang hợp của cây tốt hơn, ban đêm nhiệt độ lại thấp, hạn chế quá trình hô hấp vô hiệu, cây tổng hợp các hợp chất tốt hơn để sinh trưởng và phát triển. Vì thế để khai thác được tiềm năng năng suất lúa vụ đông xuân, bà con cần chủ động những biện pháp tác động ngay từ đầu vụ để phòng ngừa thiệt hại do khô hạn và những diễn biến bất lợi có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa.

Nông dân xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) làm đất chuẩn bị gieo trồng vụ đông xuân.
Nông dân xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) làm đất chuẩn bị gieo trồng vụ đông xuân.

Vụ đông xuân chủ yếu nhờ nguồn nước thủy lợi được tích lũy trong những tháng mùa mưa chứa trong các ao, hồ, đập… để tưới tiêu. Ngay từ khi kết thúc vụ hè thu, cần phải cải tạo đất, cày ải, hạn chế tối đa sinh vật có hại tồn đọng trên ruộng từ vụ này sang vụ khác. Vụ đông xuân thường xuống giống từ trung tuần tháng 11 đến đầu tháng 1 năm sau (phụ thuộc vào lượng mưa và kế hoạch điều tiết nước của từng địa bàn). Đối với những địa bàn hay xảy ra thiếu nước vào cuối vụ đông xuân, có thể tận dụng nguồn nước tích lũy từ đầu vụ để xuống giống sớm hơn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích lúa thường bị khô hạn trong những vụ đông xuân trước. Không nên gieo trồng lúa trên diện tích ruộng không chủ động được nguồn nước. Sử dụng các giống lúa ngắn ngày hoặc cực ngắn ngày để hạn chế thiếu nước vào cuối vụ.

Giữa mùa khô có thể xuất hiện những đợt nắng nóng kéo dài gây hạn hán, thiếu nước cục bộ, cán bộ thủy nông cơ sở cần phối hợp với nông dân tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có để cung cấp nước kịp thời. Kiểm tra, tu bổ các công trình thủy lợi, xử lý sự cố hư hỏng, phát dọn nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy. Bà con cần huy động nhau ra quân làm thủy lợi để tạo nguồn nước, đắp đập tạm, bờ vùng, bờ thửa, tránh rò rỉ gây tổn thất nước trong vụ đông xuân.

Bà con nên sử dụng các giống lúa xác nhận, nguyên chủng, ngắn ngày hoặc trung ngày có năng suất, chất lượng khá, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với địa bàn và đáp ứng yêu cầu thị trường. Đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần khuyến cáo bà con sử dụng các giống lúa lai có chất lượng, thích nghi với điều kiện bất lợi của môi trường, đi đôi với việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật thâm canh, ứng dụng chương trình quản lý dinh dưỡng và dịch hại tổng hợp trong sản xuất lúa để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tăng khả năng kháng sâu bệnh hại thì việc cung cấp dinh dưỡng theo nhu cầu sinh học của cây lúa từng giai đoạn hết sức quan trọng, theo đó bà con cần quan tâm sử dụng bón lót phân hữu cơ vi sinh từ đầu để cải tạo đất, tạo điều kiện cho cây lúa hấp thu tốt các chất dinh dưỡng khác trên ruộng. Trong quá trình sản xuất, nếu phát hiện sâu, bệnh hại phát sinh với mật độ và tỷ lệ cao, nông dân cần thông báo kịp thời với cơ quan chuyên môn tại địa phương để được hướng dẫn biện pháp tác động kịp thời, hiệu quả.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.