Multimedia Đọc Báo in

Bất cập tại công trình đập dâng Đắk Bông Lâm

08:47, 31/12/2020

Hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2017, công trình đập dâng Đắk Bông Lâm (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) đã góp phần cung cấp nguồn nước cho các trạm bơm, đồng thời phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, quá trình sử dụng, công trình này bộc lộ một số bất cập, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, đời sống của người dân vùng dự án.

Ngập giữa mùa khô

Công trình đập dâng Đắk Bông Lâm khởi công xây dựng vào tháng 5-2016, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 4-2017. Công trình có tổng mức đầu tư trên 11,2 tỷ đồng, do UBND huyện Lắk làm chủ đầu tư, được xây dựng với mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực dân cư ven hồ Lắk nói riêng, huyện Lắk nói chung.

Trong đó, mục tiêu cụ thể là giữ mực nước chết ổn định để bảo tồn môi sinh hồ Lắk, bảo đảm phát triển ngành Du lịch, cung cấp nguồn nước cho 3 trạm bơm gồm Dơng Kriêng, buôn Chua và buôn Mah, điều tiết nước tưới cho các cánh đồng của xã Đắk Liêng…

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân các xã Yang Tao, Bông Krang, Đắk Liêng và thị trấn Liên Sơn, từ ngày công trình đập dâng Đắk Bông Lâm hoàn thành, đặc biệt là trong năm 2019, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở các địa phương này bị ngập, ngay cả giữa cao điểm mùa khô.

Cánh đồng buôn Drung (xã Yang Tao, huyện Lắk) bị ngập giữa mùa khô.
Cánh đồng buôn Drung (xã Yang Tao, huyện Lắk) bị ngập giữa mùa khô.

Ông Y Thanh Teh (buôn Drung, xã Yang Tao) bức xúc cho hay, gia đình ông có 5 sào đất ở cánh đồng buôn Drung, thường canh tác lúa vào mùa khô, từ ngày công trình đập dâng Đắk Bông Lâm đưa vào sử dụng thì nước dâng mênh mông, không thể gieo trồng được. Diện tích đất dù không lớn, nhưng nhờ đó mà trước đây nhà ông không phải mua gạo. Hơn 2 năm nay, đất bị ngập, ông phải làm thuê theo thời vụ để kiếm tiền mua gạo.

Tương tự, hộ anh Y Nôih Teh (trú cùng buôn Drung) cũng có 1,2 sào (có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và hơn 1 ha đất khai hoang tại cánh đồng buôn Drung, hàng chục năm nay cả gia đình sống nhờ vào diện tích đất này. Từ ngày ruộng bị ngập, gia đình đã phải mua gạo ăn, mọi nguồn thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào tiền làm thuê làm mướn của vợ chồng anh.

Còn tại xã Đắk Liêng, theo thống kê toàn xã có hơn 52 ha đất sản xuất của hơn 100 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, diện tích đã được cấp GCNQSDĐ hơn 21 ha, diện tích chưa được cấp là gần 31 ha.

Bà H'Wuan Hmok, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Liêng cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, cuối năm 2018, địa phương phối hợp với ban tự quản thôn, buôn rà soát, thống kê diện tích đất bị ngập úng do công trình đập dâng Đắk Bông Lâm. Qua tìm hiểu, phần lớn các hộ có đất bị ảnh hưởng đều là hộ nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, địa phương đã có văn bản đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND huyện xem xét bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, địa phương chưa nhận được văn bản trả lời, cũng như hướng khắc phục của chủ đầu tư dự án.

Cần nhanh chóng khắc phục bất cập

Trước phản ánh của người dân, tháng 4-2019, UBND huyện Lắk thành lập Đoàn kiểm tra số 1094 về việc rà soát diện tích đất các hộ dân bị ngập do ảnh hưởng của đập dâng Đắk Bông Lâm. Theo đó, đoàn đã tiến hành kiểm tra trực tiếp trên thực địa, sử dụng định vị GPS để xác định từng vị trí, đối chiếu với bản đồ địa chính của các địa phương.

Công trình đập dâng Đắk Bông Lâm tại xã Đắk Liêng.
Công trình đập dâng Đắk Bông Lâm tại xã Đắk Liêng.

Trên cơ sở kết quả rà soát, UBND huyện Lắk đã có văn bản giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện (đại diện chủ đầu tư dự án) cung cấp bản đồ địa chính xác định ranh giới mốc cao trình trước khi thi công đập dâng Đắk Bông Lâm và cao trình ngưỡng tràn của đập để làm căn cứ pháp lý xác định diện tích bị ảnh hưởng. Đồng thời bàn giao bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu vực bị ảnh hưởng cho Trung tâm Phát triển quỹ đất.

Những đơn vị liên quan phối hợp với các xã Yang Tao, Bông Krang và thị trấn Liên Sơn kiểm đếm hiện trạng đất, tài sản gắn liền trên đất đối với từng hộ, sau đó khái toán nguồn kinh phí, phương án bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân bị ảnh hưởng. Liên quan đến vấn đề này, ngày 19-12-2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lắk đã có Tờ trình số 412/TTr-QLDA về việc cho chủ trương thực hiện Dự án Khảo sát, đo đạc phục vụ công tác xác định phạm vi, diện tích đất của các hộ dân bị ảnh hưởng sau khi xây dựng đập dâng Đắk Bông Lâm.

Ông Nguyễn Quốc Đồng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lắk cho biết, trong cơ cấu tổng mức đầu tư công trình này không có chi phí thực hiện công tác trắc đạc, đo vẽ bản đồ địa chính, trích lục bản đồ… Việc đo đạc xác định ranh mốc ảnh hưởng khu vực quanh hồ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay các phòng, ban của huyện không có chức năng thực hiện những nội dung trên mà phải thuê đơn vị có đủ năng lực theo quy định.

Để thực hiện việc khảo sát, đo đạc phục vụ công tác xác định phạm vi, diện tích của các hộ dân bị ảnh hưởng cần kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Do đó, Ban Quản lý vừa kiến nghị UBND huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch xem xét, bổ sung để thực hiện công tác này. Sau khi có kinh phí, đơn vị sẽ triển khai việc khảo sát, đo đạc, kịp thời bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

Không thể phủ nhận tính hiệu quả của công trình đập dâng Đắk Bông Lâm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội huyện Lắk. Tuy nhiên, chủ đầu tư cần nhanh chóng tìm hướng khắc phục bất cập để bảo đảm quyền lợi của người dân, tránh trường hợp gây bức xúc trong dư luận dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp.

Tại các xã Yang Tao, Bông Krang, Đắk Liêng và thị trấn Liên Sơn có hơn 127 ha, với 417 hộ dân có đất bị ngập úng do công trình đập dâng Đắk Bông Lâm. Trong đó, có gần 51 ha của 163 hộ có GCNQSDĐ, hơn 76 ha còn lại chủ yếu đất khai hoang, chưa có GCNQSDĐ.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.