Multimedia Đọc Báo in

Để điện mặt trời không tạo hệ lụy về sau

07:03, 31/12/2020

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh bùng nổ số lượng công trình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) do các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư xây dựng.

Sẽ là điều rất đáng hoan nghênh khi các dự án năng lượng mặt trời mang lại những lợi ích lớn cho xã hội, bảo đảm an toàn cho môi trường, kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển ĐMTMN một cách ồ ạt đang nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt là nguy cơ cháy nổ, phá vỡ quy hoạch xây dựng, sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đồng thời gây ra những khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng.

Hai sự cố cháy nổ các tấm pin mặt trời xảy ra tại huyện Ia Grai và TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thời gian qua là lời cảnh báo về nguy cơ của những hệ thống ĐMTMN. Sự việc này cho thấy những lỗ hổng trong chính sách quản lý việc đầu tư xây dựng và vận hành các công trình. Bởi trên thực tế, các bộ, ngành vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc nghiệm thu, thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy đối với những công trình điện năng lượng mặt trời, nên cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc quản lý về lĩnh vực này. Nguy cơ cháy nổ các dự án ĐMTMN đã được nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo từ lâu. Tuy nhiên, do nhiều nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành dự án trước ngày 31-12-2020 để được hưởng mức giá điện cao, nên đã “quên” các quy định. Bên cạnh đó, hạ tầng truyền tải không đủ để đáp ứng được nhu cầu giải tỏa công suất các dự án dẫn đến quá tải cục bộ tại một số khu vực nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Ảnh: Thúy Diễm
UBND tỉnh đã yêu cầu các trường học công lập chấm dứt việc cho thuê  mặt bằng mái nhà để lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Ảnh: Thúy Diễm

Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách ưu đãi về giá bán điện của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã đổ xô mua đất nông nghiệp và xin chuyển đổi để đầu tư điện mặt trời. Điều kiện để được đấu nối là chỉ cần có dự án nông nghiệp, tận dụng tầng mái công trình lắp các tấm pin theo hình thức “farm năng lượng”. Yêu cầu khá “thoáng”, nên nhiều dự án điện mặt trời trên đất nông nghiệp được triển khai rầm rộ. Theo quy định, các công trình công suất trên 1 MWp (điện đấu lưới) phải được Bộ Công thương phê duyệt. Do đó, các chủ đầu tư đã “né” quy định này bằng cách chia nhỏ dự án với công suất dưới 1 MWp để dễ dàng xây dựng và phát điện trong thời gian nhanh nhất. Dù biết tình trạng này sẽ tiềm ẩn nguy cơ “vỡ trận” ĐMTMN, nhưng Nhà nước chưa có quy định và cũng không cấm các doanh nghiệp chia nhỏ dự án như vậy.

Trước tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, để tránh tình trạng ĐMTMN phát triển quá “nóng”, dẫn đến phá vỡ quy hoạch thì cần sớm xây dựng cơ chế riêng cho các công trình năng lượng kết hợp với nông nghiệp. Đồng thời có những quy định chặt chẽ hơn để tránh việc nhà đầu tư tận dụng lỗ hổng chính sách để trục lợi. Nhằm siết chặt công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng ĐMTMN, mới đây, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành rà soát, kiểm tra về an toàn xây dựng, phòng cháy chữa cháy, quy định về sử dụng đất, tiêu chí trang trại, quản lý quy hoạch, kiến trúc, mỹ quan đô thị, công tác thẩm định, cấp phép xây dựng của các dự án có gắn tấm pin mặt trời áp mái.

Thiết nghĩ, việc phát triển điện mặt trời hiện nay sẽ khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực năng lượng, bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, lĩnh vực này cần có những quy định cụ thể trong quá trình xây dựng, vận hành và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước để những dự án, công trình điện mặt trời mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài và không dẫn đến những hệ lụy trong tương lai.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.