Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk đã sẵn sàng bước vào "xa lộ" EVFTA (Kỳ cuối)

06:55, 31/12/2020

Kỳ cuối: Chủ động những lộ trình hội nhập 

Mặc dù cơ hội thúc đẩy phát triển nền kinh tế khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thực thi đã rất rõ ràng, nhưng để nắm bắt, tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng vẫn đang còn nhiều việc phải làm.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp 

Với 13 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, một trong những tồn tại lớn nhất là nhận thức của các doanh nghiệp (DN) còn hạn chế và việc tận dụng cơ hội cũng khiêm tốn. Nhiều cơ quan còn chậm xây dựng văn bản pháp luật liên quan; hướng dẫn thực thi còn thiếu thống nhất, gây khó cho DN; còn nhiều hạn chế về hạ tầng cơ sở nguồn nhân lực, chất lượng quy mô sản xuất còn nhỏ. Chính vì vậy, ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1201/QĐ-TTg, ngày 6-8-2020 phê duyệt Kế hoạch thực hiện EVFTA với 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Mỗi nhóm công việc này được xây dựng với những nội dung, hành động cụ thể mang tính chiến lược nhằm khắc phục những điểm còn tồn tại trong việc thực thi một số FTA trước đây, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp  của Đắk Lắk tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân.  Ảnh: Hoàng Gia
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp của Đắk Lắk tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân. Ảnh: Hoàng Gia

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, kinh nghiệm thực thi Hiệp định CPTPP trong hơn 1 năm qua cũng cho chúng ta thấy rằng kế hoạch thực hiện Hiệp định của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương càng được ban hành sớm với những hoạt động hết sức cụ thể, đúng trọng tâm, trọng điểm thì Hiệp định sẽ thực sự đi vào cuộc sống càng nhanh và hiệu quả. Theo đó, trong thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã và đang tích cực đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để làm sao có thể triển khai ngay và hiệu quả các nhóm công việc này.

Tập trung khai thác lợi thế của địa phương

Theo Sở Công thương, mặc dù hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, nhưng hàng rào kỹ thuật với nhiều tiêu chuẩn lại rất khắt khe nên ngành công thương hiện nay đang tập trung cho công tác xây dựng thương hiệu, những yếu tố chuẩn mực hàng hóa để tham gia vào thị trường khi hội nhập. Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Ngoài việc Nhà nước xây dựng chính sách phù hợp thì các ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng thành phần kinh tế. Đồng thời, khai thác hiệu quả lợi thế của các sản phẩm nông nghiệp đặc thù bằng việc tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung thành những cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu lớn để thuận lợi cho ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất chất lượng nông sản.

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích người dân canh tác hữu cơ, chuẩn bị nền tảng đưa các sản phẩm nông nghiệp địa phương gia nhập hiệp định. Trong ảnh: Vườn vải của nông dân ở xã Ea Sar (huyện Ea Kar).
Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích người dân canh tác hữu cơ, chuẩn bị nền tảng đưa các sản phẩm nông nghiệp địa phương gia nhập hiệp định. Trong ảnh: Vườn vải của nông dân ở xã Ea Sar (huyện Ea Kar).
 

EU xóa bỏ thuế quan, giúp hàng hóa của chúng ta có cơ hội lớn hơn trong việc xuất khẩu sang thị trường EU thì ngược lại chúng ta cũng phải có nghĩa vụ mở cửa thị trường của mình cho hàng hóa của châu Âu. Chính vì vậy, chúng ta cần phải tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho hàng hóa của cả hai bên".

 

 
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Mới đây, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 9536/KH-UBND, ngày 22-10-2020 về thực hiện EVFTA đến năm 2025 với lộ trình cụ thể. Giai đoạn 1 của kế hoạch này sẽ tập trung rà soát, ban hành và tổ chức quán triệt các văn bản triển khai; hỗ trợ DN nắm bắt thông tin thị trường EU và thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối và hỗ trợ DN. Giai đoạn 2 (từ năm 2021 – 2025), thực hiện công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ sở, ngành, DN về các nội dung liên quan đến cam kết thương mại tự do; triển khai hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, các ngành hàng chủ lực, có thế mạnh của tỉnh; tăng cường hoạt động kết nối DN thông qua hợp tác giữa tỉnh Đắk Lắk với DN các nước EU.

Một trong những giải pháp trọng tâm được UBND tỉnh đưa ra là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm kêu gọi đầu tư vào công nghiệp chế biến những loại nông sản có thế mạnh của tỉnh như cà phê, tiêu, cây ăn quả, chăn nuôi; hỗ trợ DN nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Song song với đó là chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng chính sách thu hút nhân lực trong các ngành kỹ thuật, công nghệ, luật, tài chính; tăng cường các hoạt động kết nối DN, góp phần hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm.

Lê Hương - Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.