Multimedia Đọc Báo in

Hòa Xuân đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới

09:37, 14/12/2015

Từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM), nhờ biết cách huy động sức dân kết hợp với các nguồn lực hợp lý, bức tranh nông thôn của xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) đã có nhiều khởi sắc rõ rệt.

Xã Hòa Xuân có diện tích tự nhiên 2.414 ha, với dân số 7.351 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 3.822 nhân khẩu. Cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp với tỷ trọng hơn 78%. Ngay từ khi TP. Buôn Ma Thuột triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã Hòa Xuân đã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Quản lý xây dựng NTM nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân tham gia cùng cả hệ thống chính trị. Hằng năm, Ban Chỉ đạo phân công cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể để tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền như: Ủy ban MTTQ Việt Nam xã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; Hội Nông dân xã vận động hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Hội Phụ nữ xã hỗ trợ vốn để giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm tốt công tác vệ sinh trong từng gia đình…

Ông Phạm Mạnh Hùng bên vườn tiêu xanh tốt của gia đình.
Ông Phạm Mạnh Hùng bên vườn tiêu xanh tốt của gia đình.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, xã Hòa Xuân đã tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của nhân dân. Nhờ vậy, ngày càng xuất hiện nhiều gia đình tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, đóng góp hàng chục triệu đồng để xây dựng cơ cở hạ tầng vì sự phát triển chung của địa phương. Tính từ năm 2011 đến nay, người dân trên địa bàn xã đã đóng góp được hơn 4,6 tỷ đồng xây dựng đường giao thông nông thôn; hơn 3,7 tỷ đồng để kéo điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; gần 550 triệu đồng xây dựng trường học, nhà văn hóa… Điển hình như ông Nguyễn Văn Phu (SN 1936), ở thôn 4 đã hiến hơn 1.000 m2  đất thổ cư và nhiều cây cối, hoa màu khác để xây dựng đường giao thông nông thôn. Ông Phu tâm sự: “Bản thân tôi là một đảng viên nên càng phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào. Giờ đây, nhìn các cháu nhỏ đi học trên con đường bằng phẳng, người dân không còn phải vất vả đi lại mỗi khi mùa mưa đến, tôi cảm thấy rất vui vì trong đó có một phần đóng góp nhỏ bé của mình”.

Song song với việc tuyên truyền, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể xã Hòa Xuân xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Xác định sản xuất nông nghiệp là yếu tố chủ lực trong phát triển kinh tế nên chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi. Để tạo điều kiện cho người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cán bộ khuyến nông đã xuống tận thôn, buôn xây dựng mô hình, trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Trong những năm qua, UBND xã đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của TP. Buôn Ma Thuột tổ chức gần 130 lớp tập huấn, hội thảo khoa học kỹ thuật với hơn 6.700 lượt người tham gia; chuyển giao 26 mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao như: mô hình trồng bơ, sầu riêng, hồ tiêu xen cà phê tại thôn 4; mô hình trồng quýt đường tại thôn 3; trang trại chăn nuôi heo tại tiểu khu 1266…     

Theo chân cán bộ phụ trách thực hiện chương trình NTM xã, chúng tôi đến gia đình ông Phạm Mạnh Hùng (SN 1963, ở thôn 1), một trong những hộ “đổi đời” với mô hình trồng tiêu của xã Hòa Xuân. Những năm 1990, gia đình ông Hùng từ Ninh Bình vào Đắk Lắk lập nghiệp chỉ với mấy sào đất cằn cỗi được mua lại từ người thân. Những ngày đầu khi mới lập nghiệp, vợ chồng ông trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, đậu… để giải quyết nhu cầu kinh tế trước mắt. Một thời gian sau, nhận thấy cây hồ tiêu phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây nên ông Hùng quyết định chọn loại cây này để phát triển kinh tế. Nhờ chăm chỉ trong lao động sản xuất, đến nay gia đình ông đã đầu tư, phát triển diện tích 1,5 ha hồ tiêu và 5 sào cà phê, cộng với ao nuôi cá, mỗi năm thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình ông Hùng còn tích cực đóng góp vào sự phát triển chung tại địa phương như hiến đất, các loại cây trồng và góp gần 60 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn. 

Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân cho biết, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự đồng thuận, nỗ lực của nhân dân nên từ chỗ chỉ đạt 7 tiêu chí (năm 2011), đến nay Hòa Xuân đã hoàn thành 15/19 tiêu chí NTM. Nhờ chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của địa phương ngày càng khởi sắc và đạt những kết quả đáng khích lệ. Toàn xã hiện có 4/4 trường học đều đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 80%; hơn 97% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 136 hộ (chiếm tỷ lệ 8,8%) thì đến nay giảm xuống còn 65 hộ (chiếm 3,6%); thu nhập bình quân đầu người vào năm 2012 chỉ đạt khoảng 15 triệu đồng, đến nay đã tăng lên trên 24 triệu đồng/người/năm… Xã Hòa Xuân phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2016.

 Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.