Multimedia Đọc Báo in

Niên vụ cà phê 2015-2016: Quả "đắng" càng thêm "đắng"!

06:39, 13/12/2015
Niên vụ 2015-2016, nhiều diện tích cà phê chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự già cỗi khiến quá trình sinh trưởng và phát triển không tuân theo quy luật bình thường (năm được, năm mất) mà tiếp tục mất mùa khiến người dân lao đao. Cùng với đó, là giá cà phê ảm đạm suốt 1 năm trời…

Mất mùa, mất giá, khó thuê nhân công

Trái với không khí rộn ràng của những mùa trước, niên vụ cà phê năm nay dường như “im ắng” hơn khi người trồng cà phê chồng chất trong nợ nần. Ông Hồ Duy Nghĩa, xã Ea Yông (Krông Pắc) cho biết, đầu niên vụ 2014-2015 giá cà phê ở mốc trên 40.000 đồng/kg nhưng gia đình chưa có nhu cầu bán, chờ giá tăng cuối vụ nhưng giá cà phê lại không tăng. Đến mùa mưa 2015, ông phải bán lỗ để có vốn tái đầu tư chăm sóc vườn cây khiến khoản nợ vật tư mùa trước chưa trả nay lại “phình” lên. Niên vụ này, cà phê gặp hạn kéo dài khiến sức đề kháng của cây giảm, trong khi đó mùa mưa bị rút ngắn nên cây không đủ thời gian nuôi trái nên chín sớm hơn, nhân lại nhỏ, hạt lép nhiều, ước tính gia đình thiệt hại khoảng 20% sản lượng so với mùa vụ trước khiến lợi nhuận dường như không có. Không chỉ mất mùa, giá cà phê từ đầu niên vụ tới nay luôn ở quanh mốc 34.000-35.000 đồng/kg, trong khi đó giá nhân công lại tăng cao so với niên vụ trước khiến người dân gặp không ít khó khăn. Ông Trần Ngọc Cảnh, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột than thở, trước đây vào mùa thu hoạch tuy khan hiếm nhân công nhưng đầu tháng 10 lao động từ các tỉnh miền Trung đổ dồn về Tây Nguyên để làm thuê rất nhiều nên người trồng cà phê vẫn có quyền lựa chọn nhân công thu hái. Niên vụ này, nhân công các tỉnh khu vực miền Trung lên rất ít, những mối quen cũ cũng không mấy mặn mà với nghề thu hái cà phê như những năm trước do giá giảm nên ông phải thuê nhân công địa phương thu hái. Cầu lớn nhưng nguồn cung ít, nên người làm thuê cũng không “nhiệt tình” khiến mùa thu hoạch càng trở nên khó khăn.

Tập kết cà phê tại nhà máy chế biến ướt của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.
Tập kết cà phê tại nhà máy chế biến ướt của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.

Không nên đầu tư tạm trữ cà phê

Tiếp nối đà giảm giá của niên vụ 2014-2015, đầu niên vụ mới giá cà phê nhân xô tiếp tục giảm với biên độ rộng làm cho cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn người trồng cà phê thấp thỏm lo âu. Cà phê rớt giá làm nhiều nông hộ “tiến thoái lưỡng nan” bán cũng không xong mà tiếp tục găm hàng thì phập phồng lo lắng. Tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2014-2015 được tổ chức vào đầu tháng 12 vừa qua, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cùng tháo gỡ khó khăn cho nông dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê. Theo đó, người trồng cà phê tiếp tục sản xuất theo các bộ nguyên tắc quốc tế để nâng cao chất lượng cà phê, gia tăng giá trị sản phẩm; đẩy mạnh chế biến sâu để tìm hướng đi mới cho ngành, nhanh chóng thiết lập quỹ phát triển cà phê… Đa số các doanh nghiệp đều mong muốn nông dân không nên nhất nhất găm hàng chờ giá hay thu mua, tạm trữ cà phê bởi việc thu mua tạm trữ không giải quyết tận gốc vấn đề.

Nông dân xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê.
Nông dân xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê.

Đại diện của Công ty TNHH MTV cà phê 2-9 cho biết, niên vụ cà phê 2014-2015 diễn biến thất thường, thị trường cà phê biến động theo tỷ giá hối đoái tiền tệ thế giới, điển hình là đồng Real của Brazil khiến giá cà phê rớt thảm. Nông dân tiếp tục găm hàng chờ giá lên, trong khi đó doanh nghiệp xuất khẩu lại khan hiếm hàng khiến việc xuất khẩu trở nên khó khăn. Mặt khác, các đối tác quốc tế thu mua cà phê của Việt Nam tổ chức liên kết chặt chẽ, thay đổi chính sách thu mua, thanh toán hợp đồng sau 200-250 ngày khiến doanh nghiệp trong nước vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Không chỉ doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Ông Phạm Ngọc Bằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đắk Man Việt Nam cho rằng, niên vụ 2014-2015 việc găm hàng của các hộ dân khiến doanh nghiệp khan hiếm hàng khiến doanh nghiệp bị động trong xuất khẩu. Việc thiết lập quỹ cà phê là cần thiết, tuy nhiên không nên thiết lập quỹ để thu mua, tạm trữ cà phê cho người trồng cà phê bởi tạm trữ cà phê sẽ đẩy tình trạng khan hiếm hàng lên đỉnh điểm. Đặc biệt, giải pháp này không thích hợp trên góc độ thị trường do khách hàng của ngành cà phê là các đối tác nước ngoài, vô hình trung làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu ngay từ trong nước. Do đó, việc thiết lập quỹ phát triển cà phê cần tái đầu tư lại cho người nông dân, giúp ngành cà phê nâng cao năng lực cạnh tranh từ việc sản xuất an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường sinh thái… Khi có vốn rồi, người dân không cần phải găm hàng chờ giá nữa mà chủ động xuất bán cà phê theo nhu cầu của mình.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.