Multimedia Đọc Báo in

Tuyệt đối tuân thủ điều trị khi mắc bệnh tăng nhãn áp

06:11, 25/12/2022

Tăng nhãn áp (Glocom) là bệnh nhãn khoa thường gặp. Tuy nhiên, bệnh có diễn tiến âm thầm, người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu mất thị giác cho đến khi bệnh trở nặng gây mù và đây là căn bệnh gây mù lòa đứng thứ hai trên toàn thế giới sau đục thủy tinh thể.

Theo bác sĩ Lê Dương Thùy Linh, Trưởng khoa Khám – Cấp cứu – Cận lâm sàng (Bệnh viện Mắt tỉnh), bệnh tăng nhãn áp là một nhóm các bệnh rối loạn ở mắt có liên quan gây tổn thương dây thần kinh thị giác. Nếu không phát hiện và điều trị bệnh tăng nhãn áp kịp thời, thị lực sẽ bị đe dọa rất nghiêm trọng. Càng để lâu, bệnh càng diễn biến tồi tệ hơn, gia tăng nguy cơ mù lòa cho người bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các triệu chứng bệnh tăng nhãn áp thường không rõ ràng, vì thế bệnh nhân hay chủ quan, không kịp thời phát hiện, điều trị trong giai đoạn đầu. Đến khi bệnh phát triển nặng thì việc điều trị gặp nhiều khó khăn, không đem lại hiệu quả cao.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung (trú huyện Cư Kuin) một lần vô tình đưa con gái đi cắt kính cận thử đăng ký khám mắt trong lúc ngồi chờ con. Thật bất ngờ vì kết quả khám cho thấy chị bị tăng nhãn áp. Chị Dung tâm sự: “Tôi thật sự sốc vì thời điểm khám mắt tôi vẫn nhìn bình thường và không hề có biểu hiện đau hay có gì bất thường. Bác sĩ cho biết nguyên nhân khiến mắt tôi bị tăng nhãn áp có thể do tôi dùng nhiều thuốc nhỏ mắt chứa corticoid. Cũng may tôi được phát hiện sớm nên mắt chưa bị tổn thương nhiều”. Còn anh Bùi Thái Hòa (trú TP. Buôn Ma Thuột) không may mắn như chị Dung. Thời điểm phát hiện bị tăng nhãn áp, mắt trái của anh đã bị tổn thương nặng, phẫu thuật 2 lần nhưng không hiệu quả và đã mù vĩnh viễn. Trước đó, anh Hòa đi khám thì phát hiện bị tăng nhãn áp. Từ thời điểm phát hiện và sau điều trị một thời gian, thấy mắt không tiến triển nhiều nên anh bỏ điều trị, đến khi mắt đau nhức đi khám lại thì tổn thương thần kinh mắt đã quá nặng.

Để phòng bệnh tăng nhãn áp, người dân nên đi khám mắt định kỳ. Ảnh: Quang Nhật

Bác sĩ Linh nhấn mạnh, tăng nhãn áp là bệnh mạn tính nên quá trình điều trị bệnh kéo dài đến suốt đời. Song, có không ít bệnh nhân điều trị được một thời gian rồi tự ý bỏ điều trị, đến khi quay trở lại khám thì bệnh đã ở giai đoạn nặng, tổn thương vĩnh viễn thần kinh của mắt, không phục hồi được. “Hiện nay, tỷ lệ người dân mắc bệnh tăng nhãn áp trong cộng đồng rất cao nhưng vì bệnh diễn tiến âm thầm nên nhiều người không được phát hiện và điều trị kịp thời. Một điều đáng lo lắng là hiện nay không ít người dân khi bị đau mắt, đỏ mắt, bị viêm kết mạc do dị ứng thời tiết song không đến khám tại các cơ sở y tế mà tự ý mua các loại thuốc nhỏ mắt sử dụng, trong đó có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc lạm dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid khiến mắt sẽ bị tăng nhãn áp; thực tế thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân bị tăng nhãn áp do lạm dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid đang ngày càng tăng, nhất là ở trẻ em”, bác sĩ Linh thông tin.

Tăng nhãn áp là bệnh không thể chữa khỏi và không tự phục hồi. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn các tổn thương thị lực. Mục tiêu điều trị là làm giảm nhãn áp để ngăn ngừa mất thị lực. Do đó, để phòng bệnh tăng nhãn áp, người dân nên đi khám định kỳ mắt thường xuyên giúp phát hiện nguyên nhân tăng nhãn áp trong giai đoạn đầu, trước khi biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Theo các chuyên gia y tế, nên khám mắt toàn diện sau mỗi 5 - 10 năm nếu dưới 40 tuổi; 2 - 4 năm ở độ tuổi từ 40 đến 54; 1 - 3 năm từ 55 đến 64 tuổi; và sau 1 - 2 năm khi trên 65 tuổi. Đối với các bệnh nhân đã mắc bệnh cần tuân thủ điều trị, tuyệt đối không bỏ điều trị để tránh tổn thương mất vĩnh viễn thị lực.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.