Multimedia Đọc Báo in

BHXH tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số: Hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

09:08, 17/01/2023

Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh luôn nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, để đưa các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến với người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, thuận tiện.

Theo Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Khắc Tuấn, thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, các đề án, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh, BHXH tỉnh đã có những bước chuyển mạnh mẽ trong thực hiện chiến lược chuyển đổi số, ngày càng đáp ứng tốt hơn mục tiêu phục vụ doanh nghiệp, người lao động và nhân dân.

Cụ thể, để phục vụ công tác chuyển đổi số, BHXH tỉnh và các đơn vị trực thuộc đã được BHXH Việt Nam trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị, đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng, bảo đảm đủ điều kiện để kết nối liên thông các phần mềm nghiệp vụ của ngành và các ứng dụng dùng chung để xử lý công việc trên môi trường mạng từ Trung ương đến cấp huyện, thị xã nhanh chóng, kịp thời.

Nhân viên BHXH huyện Krông Búk hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Bảo hiểm xã hội số - VssID trên điện thoại. Ảnh: Hồng Chuyên

Ngành BHXH đã cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 4, mức cao nhất, thực hiện hoàn toàn trên cổng dịch vụ công của ngành và đang từng bước tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đáng chú ý, BHXH cũng đã kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay từ khi cơ sở dữ liệu này được đưa vào vận hành chính thức, trong đó có lĩnh vực khám chữa bệnh BHYT.

Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Khắc Tuấn cho biết, thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả, hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn.

Tại Bộ phận một cửa cơ quan BHXH tỉnh và BHXH cấp huyện, các giao dịch trước đây thường phải thực hiện trực tiếp thì nay đã được thực hiện bằng hình thức online, giao dịch điện tử. Qua đó, các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHYT hoàn toàn chủ động về thời gian nộp hồ sơ và có thể nộp hồ sơ 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết. Mỗi người dân đều có thể ở nhà thực hiện giao dịch thông qua mạng Internet để giải quyết công việc trên cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công của ngành BHXH. 

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án số 06) của Chính phủ, BHXH tỉnh đã phổ biến, quán triệt đầy đủ mục tiêu, nội dung Đề án đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lao động toàn ngành; ban hành văn bản về việc kê khai số căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, số định danh cá nhân đối với người tham gia BHXH, BHYT gửi đến các đơn vị sử dụng lao động, UBND xã, phường, thị trấn, các cơ sở giáo dục, đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh để phối hợp đề nghị người tham gia BHXH, BHYT, BHTN kê khai số CCCD hoặc số định danh cá nhân để cơ quan BHXH nhập vào cơ sở dữ liệu.

Nhân viên BHXH huyện Cư Kuin hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Bảo hiểm xã hội số - VssID trên điện thoại. Ảnh: Hồng Chuyên

Việc triển khai ứng dụng VssID - BHXH số là một bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH nói chung và BHXH tỉnh nói riêng. Sau gần 2 năm triển khai, ứng dụng VssID ngày càng khẳng định và phát huy vai trò hữu ích trong việc cung cấp thông tin chính sách về BHXH, BHYT, BHTN; thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia; các dịch vụ công trong giao dịch với cơ quan BHXH… giúp người tham gia chủ động quản lý thông tin, trực tiếp giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN để đảm bảo quyền lợi của bản thân. Thêm vào đó, người dùng có thể dùng hình ảnh thẻ trên ứng dụng để khám chữa bệnh thay thế thẻ BHYT giấy. Đến cuối năm 2022, BHXH tỉnh đã triển khai cài đặt 354.000 ứng dụng VssID cho người dân, người lao động trên địa bàn tỉnh.

Có thể thấy, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành BHXH đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính hướng đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị sử dụng lao động, người lao động tham gia BHXH, BHYT, người thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN giao dịch với cơ quan BHXH; nâng cao hiệu quả xử lý công việc của công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.