Multimedia Đọc Báo in

Đừng biến mình thành kẻ “tiếp tay” cho những thông tin sai lệch

08:33, 15/08/2021

Câu chuyện về “bác sĩ rút ống thở của mẹ nhường cho sản phụ” trong những ngày qua gây “dậy sóng” trên mạng xã hội.

Chuyện kể: “bác sĩ Khoa” là bác sĩ một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh đang được phân công điều trị cho chính cha mẹ mình (bị nhiễm COVID-19) và một sản phụ. Trong giây phút sản phụ nguy cấp, cần phải được trợ thở, bác sĩ Khoa đã không vì tình thân rút ống thở đang dùng cho mẹ mình (dù biết mẹ sẽ chết) chuyển sang cho sản phụ. Sau đó bác sĩ Khoa đã trực tiếp mổ cho sản phụ. Ca mổ sinh đôi thành công “mẹ tròn con vuông”, có cả ảnh đăng kèm...

Ảnh chụp màn hình bài viết được đăng trên tài khoản Facebook có tên Trần Khoa.
Ảnh chụp màn hình bài viết được đăng trên tài khoản Facebook có tên "Trần Khoa".

Câu chuyện được đưa đầu tiên trên trang Facebook “Trần Khoa”, tiếp đó được các trang “Nguyễn Đức Hiển”, “Hoàng Nguyên Vũ”... xào xáo/copy lại đã khiến mạng xã hội "dậy sóng" với hàng nghìn bình luận trái chiều. Có người “rớt nước mắt vì cảm động”; có người “khâm phục, ca ngợi nghĩa cử cao đẹp của bác sĩ Khoa, đã hy sinh tình thân để cứu người trẻ hơn, cần phải biểu dương, khen thưởng”; có người cho rằng “hành động của bác sĩ Khoa là vô đạo đức, bất hiếu với cha mẹ, cần phải phê phán”; có người cho rằng “hành vi của bác sĩ Khoa là vi phạm pháp luật, bởi việc một người nào đó đang sống mà bị người khác cố ý rút ống thở để người đó chết là hành vi cố ý giết người”...  

Chuyện trên mạng “ảo” nhưng “dậy sóng” trong đời sống thực tế của xã hội. Theo xác minh ban đầu của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thì tất cả các bệnh viện, các trung tâm cấp cứu ở TP. Hồ Chí Minh không có “bác sĩ Khoa” nào như thế. "Bác sĩ Khoa" với tên Facebook “Trần Khoa” là một nick ảo, không có thật. Ảnh đại diện của Facebook “Trần Khoa” là ông Toh Wei Seong, bác sĩ nha khoa, hiện đang làm việc tại bộ môn sinh học tế bào gốc và tái tạo mô thuộc Đại học Quốc gia Singapore. 

Ngày 9-8-2021, theo giải trình của hai chủ tài khoản Facebook  “Nguyễn Đức Hiển” và “Hoàng Nguyên Vũ” về nội dung đã đăng tải, do mong muốn chia sẻ cảm xúc đối với sự hy sinh của “bác sĩ Khoa”, nhưng vì thiếu kiểm chứng nguồn tin nên đã vô ý chia sẻ thông tin không có thật. Căn cứ vào điểm a, khoản 1 Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, mỗi chủ tài khoản đã bị xử phạt 5 triệu đồng.

Lâu nay, những người đọc và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, theo các nhà nghiên cứu, thường xuất phát từ một trong ba “đặc tính” sau: một là tính nhất quán, vì thấy thông tin đó phù hợp với quan điểm, với niềm tin của mình; hai là tính đồng thuận, vì thấy thông tin đó được nhiều người cùng chia sẻ; ba là tính tin cậy, vì thấy thông tin đó được một số người nổi tiếng, một số người đáng tin cậy cùng chia sẻ.   

Các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực an ninh mạng của Bộ Công an cho rằng, nếu chỉ dựa theo những “đặc tính” nêu trên để chia sẻ thông tin thì rất dễ biến mình thành kẻ tiếp tay cho những thông tin sai trái, lệch lạc. Để tiếp nhận và chia sẻ được những thông tin chính xác, đúng đắn nhất, người đọc nhất thiết phải kiểm chứng thông tin, xem thông tin xuất phát từ nguồn nào. Người đọc cần quan sát và phân biệt rõ các trang mạng xã hội chính thống và các trang giả mạo; đọc kỹ nội dung và suy ngẫm để xác định thông tin thật hay giả; cần tìm các tin, bài viết có nội dung tương tự trên các trang chính thống, có uy tín để đối chiếu, hoặc tham vấn ý kiến của các chuyên gia theo từng lĩnh vực....

Đặng Bá Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.