Multimedia Đọc Báo in

Thêm “gia vị” cho món ăn tinh thần vùng nông thôn

08:56, 28/11/2022

Hiện nay, cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các thiết chế văn hóa cơ sở cũng được quan tâm và đầu tư. Từ đó tạo nên diện mạo mới, góp phần đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn hóa và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những hoạt động phong trào khá sôi nổi, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia.

Tại xã Ea Tar (huyện Cư M’gar), các thôn, buôn trên địa bàn xã đều có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng và sân thể thao phục vụ nhu cầu của người dân. Bà Trần Thị Thanh Lụa, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tar cho biết, xã Ea Tar hiện có 10 thôn, buôn với trên 2.000 hộ dân; trong đó, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 60%. Hằng năm, xã tổ chức các chương trình nhằm thúc đẩy hoạt động giải trí văn hóa cho mọi tầng lớp nhân dân như: lễ hội truyền thống, văn nghệ quần chúng, giải thi đấu thể dục thể thao và các phong trào văn hóa…

Hội thi văn nghệ dịp hè năm 2022 cho thanh thiếu nhi tại xã Ea Tar (huyện Cư M’gar).

Trên địa bàn xã đã thành lập một số câu lạc bộ (CLB) hoạt động hiệu quả như: CLB liên thế hệ tự giúp nhau, CLB bóng chuyền hơi, CLB đàn hát dân ca... Các CLB này thường xuyên tổ chức tập luyện, sinh hoạt đều đặn. Nhiều thôn, buôn đã tập hợp lực lượng để tổ chức các hoạt động như: tập thể dục dưỡng sinh, dân vũ, văn nghệ, thể thao... hằng ngày, tiêu biểu như: thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 4, buôn Mlăng, buôn Drai Sí, buôn Tơng Lía... Cán bộ, công chức của xã cũng tích cực luyện tập thể thao, vào chiều thứ sáu hằng tuần, đội bóng của UBND xã tổ chức giao lưu bóng đá với một đơn vị thôn, buôn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, xã Ea Tar hiện đang duy trì hệ thống loa phát thanh với 23 cụm loa phát các bản tin nhằm tuyên truyền thông tin kịp thời rộng rãi đến người dân. Dù hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu giải trí văn hóa trên địa bàn chưa thật sự phát triển, nhưng một bộ phận không nhỏ người dân đã có nhận thức tham gia các phong trào để nâng cao sức khỏe cũng như đời sống văn hóa tinh thần, từ đó tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó.

Xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) có 11 thôn, 3 cụm dân cư, là địa phương còn nhiều khó khăn với tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 97%. Dù vậy, một số hoạt động phong trào tại địa phương cũng được phát triển như: bóng đá, trò chơi dân gian... Xã cũng đã thành lập CLB đàn tính hát then và CLB Dân ca, dân vũ, xòe và hát then đàn tính (thôn 3). Đây là nơi giúp người dân tham gia sinh hoạt, tập luyện giúp xua đi những mệt mỏi trong cuộc sống, đồng thời duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Người dân xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) tham gia tập luyện đàn tính, hát then.

Tuy vậy, với đặc thù đa phần người dân sản xuất nông nghiệp, số người tham gia thụ hưởng các hoạt động giải trí văn hóa vẫn chưa cao. Hiện trên địa bàn xã Cư Kbang vẫn còn một số thôn, điểm dân cư chưa có nhà văn hóa hay hội trường thôn, sân thể thao để người dân sinh hoạt. Anh Hoàng Văn Cầu (Cụm trưởng cụm 9, xã Cư Kbang) cho biết, cụm hiện có hơn 100 hộ dân, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc như: Mông, Dao, Tày, Nùng... di cư vào. Bà con nơi đây đa phần làm nông, hầu hết thời gian ở trên nương rẫy. Cụm hiện chưa có nhà văn hóa, sân thể thao nên ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động của cụm, cũng như phục vụ nhu cầu giải trí của người dân.

Từ thực tế đó có thể thấy, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa thì việc đầu tư hạ tầng, cải thiện đời sống vật chất cũng tác động không nhỏ đến việc tổ chức hoạt động văn hóa giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân vùng nông thôn.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.