Multimedia Đọc Báo in

Khi cộng đồng cùng truyền thông văn hóa

08:51, 28/11/2022

Hiện nay, nhiều cá nhân, đơn vị, địa phương trong tỉnh với nhiều cách truyền thông văn hóa đã góp phần giữ gìn, phát huy những nét đẹp của các cộng đồng dân tộc cũng như đánh thức các tiềm năng du lịch văn hóa.

Đắk Lắk là địa bàn giao lưu văn hóa của nhiều dân tộc anh em như Êđê, M’nông, J’rai, Tày, Nùng, Mường, Dao, Thái… Lan tỏa nét đẹp văn hóa các dân tộc, trong những năm qua, nhiều lễ hội được tổ chức đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc. Mang tầm vóc quốc gia có Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Còn ở cấp huyện, xã, buôn làng, các lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới, lễ hội đua voi... cũng được chính quyền địa phương, người dân thường xuyên duy trì.

Giới trẻ TP. Buôn Ma Thuột tham gia các lớp bồi dưỡng văn hóa cồng chiêng, múa xoang. 

Nhiều năm trở lại đây, quy mô các sự kiện, lễ hội do địa phương tổ chức đã có những thay đổi lớn. Không chỉ dành riêng cho một cộng đồng, dân tộc, một chủ thể, mà còn có sự giao thoa văn hóa, sự hưởng ứng của rất nhiều dân tộc anh em. Chẳng hạn, ở lễ hội Bunpimay do huyện Buôn Đôn và Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tổ chức vào tháng tư hằng năm, không chỉ là Tết cổ truyền dành riêng cho dân tộc Lào, mà còn có sự đón nhận, chia vui của các dân tộc anh em trong tỉnh. Nhờ sự hưởng ứng tích cực đó mà các nghi thức trang trọng của lễ hội Bunpimay được nhiều người yêu thích và biết đến rộng rãi.

Ngoài sự quan tâm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, thì chính bản thân mỗi người, mỗi cộng đồng đã nỗ lực trở thành “đại sứ” quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Nhiều buôn làng đã phát huy văn hóa dân tộc mình bằng triển khai các hoạt động trải nghiệm thực tế cho du khách xa gần. Ở buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), mỗi khi khách đến Homestay HNoh Ea Kao đều cảm nhận được sự nhiệt tình, ấm áp của bà con dân tộc Êđê khi được cùng trải nghiệm các hoạt động văn hóa như: dệt thổ cẩm, tham gia lễ cúng sức khỏe, giao lưu cồng chiêng, múa xoang…

Chị Nguyễn Thị Hoa (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) bộc bạch rằng: “Chỉ khi được hòa mình trong nhịp chiêng rộn rã với men rượu cần ngất ngây, bản thân mới cảm nhận rõ hơn đời sống văn hóa cũng như những tình cảm chân chất, giản dị của đồng bào trong lời khấn gọi cầu may, trong lời ca điệu múa và cả trong những hương vị của những món ăn đặc sản của buôn làng…”.

Ấn phẩm lịch Xuân Quý Mão 2023 vừa được Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk ra mắt.

Những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc không chỉ được bảo tồn, gìn giữ, phát huy trong nước, nhiều đơn vị, địa phương còn “chở” những giá trị văn hóa, lịch sử quê hương đến với bạn bè năm châu. Năm nay, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) đã cho ra mắt tập lịch Tết được thiết kế bằng hai ngôn ngữ Việt – Anh. Trên từng trang của 1.000 cuốn lịch ấy là những bức ký họa về các địa danh nổi tiếng của Đắk Lắk như: Ngã Sáu Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Đại, Đình Lạc Giao, Nhà đèn, chùa Sắc tứ Khải Đoan, Tòa Giám mục, Sân vận động TP. Buôn Ma Thuột, buôn Akô Dhông... Đặc biệt hơn, sau mỗi tờ lịch còn tích hợp các nội dung về hình ảnh văn hóa, lịch sử địa lý, danh lam thắng cảnh của tỉnh nhà để người xem dễ dàng nắm bắt được những kiến thức lịch sử quan trọng, nhiều thông tin giá trị. Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco DakLak chia sẻ: Những yêu thương được gói gém trong từng nét vẽ này sẽ là món quà trang trọng, ý nghĩa mà Công ty gửi tặng cán bộ, nhân viên, đối tác, khách hàng ở 64 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới dịp đầu Xuân năm mới 2023.

Thêm yêu và trân quý văn hóa mình, trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, việc tổ chức các hoạt động truyền thống dành cho người trẻ ngày càng được quan tâm, chú trọng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hằng năm vẫn mở các lớp dạy cồng chiêng, múa xoang; thành lập và phát triển các đội chiêng nam, nữ độ tuổi từ 10 - 30. Các trường học trên địa bàn như Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (huyện Cư M’gar) triển khai mô hình “Giữ gìn, phát huy làng nghề dệt thổ cẩm” cho học sinh; Trường THCS Võ Thị Sáu (huyện Lắk) tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế khi về các làng nghề gốm, dệt thổ cẩm...

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.