Multimedia Đọc Báo in

Tinh thần VinFuture

08:40, 24/01/2022

Ngày 20/1/2022, Giải thưởng VinFuture do vợ chồng Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng sáng lập, có tổng giá trị 4,5 triệu USD, đã có chủ nhân.

Đây là giải thưởng khoa học công nghệ mang tầm cỡ quốc tế, không chỉ ở số tiền thưởng “khủng”, Hội đồng giám khảo danh giá, mà ở sức hút mạnh mẽ của cộng đồng các nhà khoa học thế giới với hơn 1.200 đăng ký đến từ gần 800 trường đại học hàng đầu, viện nghiên cứu nổi tiếng và 42 viện hàn lâm khoa học quốc gia uy tín toàn cầu. Đã có 599 dự án tranh giải được tiếp nhận. Trong đó có gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Các nhà khoa học nữ cũng có sự góp mặt ấn tượng với tỷ lệ 34,3% trong tổng số ứng viên. Nhiều người trong số họ đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như giải thưởng Nobel, giải thưởng Breakthrough, giải thưởng Tang Prize, giải thưởng Japan Prize.

Các thành viên trong phòng nghiên cứu Yaghi. Ảnh: Đại học California, Berkeley
Các thành viên trong phòng nghiên cứu Yaghi. (Ảnh: Đại học California, Berkeley)

Giải thưởng VinFuture ghi nhận sự tham gia của các nhà khoa học từ 60 quốc gia ở sáu châu lục, trong đó số lượng dự án đến từ Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu chiếm tỷ lệ 52,6%. Việt Nam có sự tham gia ấn tượng với 17 dự án…

Điều gì tạo nên sức hút của giải thưởng VinFuture như vậy?

Sứ mệnh của VinFuture là thắp lên ngọn lửa cho nền khoa học công nghệ toàn cầu; truyền cảm hứng cho các nhà khoa học dấn thân đến các phát minh mang tính đột phá lớn trong khoa học hoặc công nghệ, có tác động sâu sắc đến nhân loại. Chính sự kết hợp giữa khoa học và tính nhân văn cao cả đó đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của VinFuture.

Nhân loại đã trải qua nhiều đợt “can qua, hoạn nạn”, tuy nhiên chưa bao giờ thúc đẩy sâu sắc tinh thần đoàn kết toàn cầu, thúc đẩy sứ mệnh cao cả của khoa học - phụng sự nhân loại, tôn vinh những công trình khoa học kiệt xuất có tính ứng dụng cao, có thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới như hai năm qua. Nếu vắc xin không được các nhà khoa học nghiên cứu và sản xuất thành công sớm, sẽ còn hàng triệu người tử vong vì COVID-19. Mỗi quốc gia càng khó đong đếm thiệt hại về vật chất và tinh thần.

Trong bối cảnh đó, một doanh nhân Việt như vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tổ chức hẳn giải thưởng khoa học công nghệ đồ sộ như VinFuture, ý nghĩa không chỉ cho cá nhân ông Vượng, mà còn mang tầm vóc quốc gia. Một “que diêm” thể hiện khát vọng của doanh nhân và đất nước Việt Nam trong sứ mệnh nhen ngọn lửa khoa học hướng đến cái đích cao cả nhất: phụng sự nhân loại.

Hà Nội những ngày này cũng đặc biệt hơn khi quy tụ rất nhiều các tên tuổi lẫy lừng của thế giới đổ về tham dự tuần lễ khoa học VinFuture. Đây thực sự là cơ hội tốt để các nhà khoa học, nhất là giới trẻ, được trải nghiệm những bài học quý giá làm hành trang cho riêng mình. Đồng thời, giúp hình ảnh đất nước quảng bá, quá trình xúc tiến các dự án tiềm năng về khoa học, công nghệ được thuận lợi. Trên thực tế, rất nhiều địa phương đã hình thành các trung tâm nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, hứa hẹn sẽ là “thung lũng Silicon của Việt Nam”. Tuy nhiên, nhìn chung quy mô cũng như như tính hiệu quả chưa cao. Trong tương lai, muốn đất nước hùng cường, vượt giới hạn thì rất cần có những “vườn ươm” màu mỡ cho các nhà khoa học Việt phát triển, mà giải thưởng VinFuture là gợi mở quan trọng.

Mong sao, sau sự kiện VinFuture sẽ có thêm nhiều doanh nhân giàu khát vọng đưa các thương hiệu Việt vươn ra khỏi biên giới hình chữ S.

Hữu Quý

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.