Multimedia Đọc Báo in

Cẩn thận với bánh trung thu không rõ nguồn gốc rao bán trên mạng xã hội

10:15, 15/09/2021

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến Tết Trung thu. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến thị trường bánh trung thu bán trực tiếp tại cửa hàng, siêu thị ảm đạm hơn. Thay vào đó, người dân có xu hướng tìm mua online.

Giá rẻ, chất lượng khó kiểm chứng

Dạo qua các chợ online, người tiêu dùng không khó để tìm mua các loại bánh trung thu bày bán đầy rẫy trên các trang mạng xã hội.

Đáng chú ý, bên cạnh các trang mạng rao bán bánh của những thương hiệu uy tín như Kinh đô, Bibica… thì cũng có nhiều loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ được rao bán tràn lan. Đặc điểm chung của các loại bánh này là “nhiều không” (không có thông tin về đơn vị nhập khẩu, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không công bố chất lượng, không có hướng dẫn sử dụng, thành phần nguyên liệu, cảnh báo sử dụng...).

Theo quảng cáo của những trang mạng này thì bánh được nhập từ Đài Loan, Hồng Kông và có lượng tiêu thụ khá nhiều. Trong đó, bánh trứng muối tan chảy Đài Loan đang trở thành loại bánh “sốt hàng” trong dịp Trung thu năm nay. Nhiều trang mạng xã hội giới thiệu hấp dẫn: “Bánh trứng muối tan chảy ngàn lớp Đài Loan siêu ngon, siêu béo. Lớp đầu tiên là vỏ bánh nướng như bánh pía, lớp thứ hai dẻo của nhân mochi tươi, lớp thứ ba là hạt sen trứng muối tan chảy…”. Tại nhiều nhóm chợ online, bánh được chào bán với mức giá khá rẻ, bán theo ký hoặc theo hộp, với giá chỉ 150.000 đồng/ký (tầm 20 chiếc) hoặc 55.000 đồng/hộp 6 chiếc.

Điều đáng nói là loại bánh trung thu mi ni này ngon, sốt hàng theo lời giới thiệu của người bán chứ không hề có giấy tờ, thông tin chứng minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, ngoài vài dòng quảng cáo sơ sài của người bán là "bánh nội địa Trung Quốc". Theo tìm hiểu, loại bánh này dạng hình tròn nhỏ, có bao bì bên ngoài in bằng chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không tem nhập khẩu… theo quy định.

Ngoài loại bánh trên thì thị trường Trung thu trên mạng hiện cũng xuất hiện nhiều dòng bánh handmade. Đây là bánh do nhà tự làm nhưng với người tiêu dùng, thật khó để biết được chất lượng, hạn sử dụng của sản phẩm. Bởi trên những chiếc bánh này phần nhiều đều không công khai thông tin về địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng cũng như không có nhãn mác in trên bao bì nên gây nhiều rủi ro cho người dùng.

Theo các chuyên gia, bánh kẹo nhập lậu nói chung, bánh trung thu nói riêng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ thường không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng. Do đó, không nên chọn mua và sử dụng.

Bánh trung thu tan chảy được bán trên một group chợ Online
Bánh trứng muối tan chảy được chào bán hấp dẫn, giá rẻ trên một trang mạng xã hội.

Người tiêu dùng cẩn trọng khi chọn mua

Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã có khuyến cáo đến người tiêu dùng về việc mua các mặt hàng bánh trung thu rao bán trên mạng. Theo đó, trong bối cảnh Tết Trung thu đang đến gần và dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc mua - bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Nhiều sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm...

Các vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm cần bảo đảm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

Bánh Trung thu không rõ nguồn gốc được rao bán trên một group chợ online
Bánh trung thu không rõ nguồn gốc được rao bán trên một group chợ online.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Cục này cũng khuyến cáo, nếu mua hàng qua mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ những đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.

Còn theo Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk, những loại hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không tem nhập khẩu nên khó có thể biết được chất lượng bên trong. Do đó, người tiêu dùng nên cẩn trọng trong việc chọn mua. Tốt nhất, nên lựa chọn những sản phẩm có ghi rõ địa chỉ xuất xứ, hạn sử dụng và những thông tin cần thiết ghi trên bao bì sản phẩm, nên tìm mua sản phẩm của những thương hiệu đã có uy tín trên thị trường.

Để bảo vệ người tiêu dùng địa phương mua sắm trong dịp này, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa hàng kinh doanh cố định và cả việc rao bán trên không gian mạng. Trong đó, chú trọng kiểm soát các mặt hàng thuộc nhóm ngành hàng như: lương thực, thực phẩm thiết yếu, bánh trung thu, sữa chế biến, dầu thực vật, bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo...; kiểm tra việc sử dụng và nguồn gốc của nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến bánh trung thu; kiểm tra hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ; việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, công bố hợp quy; nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đăng ký kinh doanh, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm…

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.