Multimedia Đọc Báo in

"Vệt loang" của xăng dầu

09:58, 22/05/2022

Thị trường xăng dầu thời gian qua chứng kiến nhiều biến động. Trong 8 năm trở lại đây, giá xăng bán ra tại địa phương đã chạm đến mức cao nhất. Mới đây, ngày 11/5, Liên bộ Công thương - Tài chính thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước theo hướng tăng mạnh.

Tại thị trường Đắk Lắk, giá xăng Ron 95-III bán ra trên thị trường đã vượt mức 30.000 đồng/lít. Không chỉ xăng, giá dầu cũng có đà tăng tương tự, với mức tăng 1.140 đồng/lít. Dầu Diesel 0,05S-II đã hiện có giá 27.180 đồng/lít; dầu Diesel 0,001S-V có giá 27.990 đồng/lít.

Trước diễn biến tăng giá mạnh của mặt hàng xăng dầu, người tiêu dùng cũng chứng kiến giá cả hàng hóa đồng loạt nhích lên, trước hết là hàng thiết yếu tiêu dùng tăng lên từng ngày. Và hiệu ứng “sóng lan” đã bắt đầu hình thành.

Mỗi khi xăng dầu tăng giá, ngay lập tức, các loại hàng hóa khác đều rục rịch tăng theo. Lý do được đưa ra là vì liên quan đến chi phí vận chuyển. Trên thực tế, xăng dầu đã tác động đến nhiều lĩnh vực, từ giá nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, đến bó rau, con cá, lạng tôm khô ngoài chợ. Hầu như, bất cứ mặt hàng nào tăng giá trong thời điểm này đều được cho là... do xăng.

Đơn cử, tại chợ trung tâm Buôn Ma Thuột, hiện giá hàng thực phẩm khô có loại đã tăng đến 30% so với trước; nhiều siêu thị trên địa bàn cũng đã nhận được thông báo tăng giá từ các nhà cung cấp; thậm chí, đến một Trung tâm Anh ngữ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng dự kiến sẽ tăng giá học phí do chi phí mua trang thiết bị, vật tư phục vụ việc học đã tăng đáng kể.

Người dân mua hàng tại siêu thị MM Mega martket Buôn Ma Thuột.

Trước khi tăng giá, mỗi ngành đều cho rằng mức tăng của ngành mình không đủ tác động đến giá cả thị trường. Song thực tế, giá cả đã tăng theo xăng và nguy cơ sẽ còn tăng cao nữa. Cho đến nay, đã có không ít người tiêu dùng dù đã đoán định, nhưng vẫn không tránh khỏi ngỡ ngàng trước mặt bằng giá mới.

Xăng tăng giá kỷ lục gây sức ép lớn đến mặt bằng giá và người nghèo là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Chi phí đội lên, thêm gánh nặng cho chi tiêu, người dân nghèo vì thế càng thêm “oằn” vai. Hai năm qua, đại dịch COVID-19 ập đến, nguồn thu của mỗi hộ gia đình đã bị co hẹp lại. Người dân sẽ còn vất vả hơn nếu "cơn sốt" giá xăng vẫn tiếp tục.

Ở góc độ doanh nghiệp, chẳng doanh nghiệp nào muốn hàng của mình đột ngột tăng giá để bảo đảm sức cạnh tranh. Tuy nhiên, họ buộc phải tăng để bù vào chi phí xăng dầu, nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa mới gượng dậy, lấy đà tăng trưởng sau đại dịch COVID-19 thì nay gặp giá nhiêu liệu tăng như “cú đấm bồi”, khiến họ càng thêm đau đầu với bài toán chi phí.

Vẫn biết xăng dầu trong nước tăng theo giá xăng dầu thế giới, thế nhưng trong bối cảnh này, hơn lúc nào hết, rất cần sự san sẻ. Nhà nước cần chủ động ban hành các chính sách điều tiết hợp lý, để đối phó với những thách thức lớn hơn có thể xảy ra khi giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng. Đồng thời, tiếp tục có chính sách hỗ trợ giá, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư máy móc, giảm chi phí sản xuất nhằm ổn định giá thành sản phẩm bán ra.

Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách trợ giá đối với các mặt hàng thiết yếu, nhất là thực phẩm để người dân nghèo bớt gánh nặng lo toan. Thực tế, vào đầu tháng 2/2022, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khoán, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có hướng dẫn giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với nhiều mặt hàng, thế nhưng vẫn như "muối bỏ bể" so với mức tăng "phi mã" của xăng dầu.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.