Multimedia Đọc Báo in

Thương mại điện tử: Khơi thông điểm nghẽn cho hàng hóa nông sản (Kỳ 1)

08:11, 17/11/2021

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh đã khiến hàng hóa nông sản có những thời điểm gần như không bán được bằng các kênh phân phối truyền thống. Chính thời điểm này, thương mại điện tử được xem là “cứu cánh” của nhiều sản phẩm, giúp khơi thông điểm nghẽn cho hàng hóa nông sản.

Kỳ 1: Bán hàng “trên mây”

Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến việc thương mại hàng hóa nông sản, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động tìm hướng đi phù hợp, tận dụng công nghệ để hoạch định chiến lược kinh doanh mới.

Chủ động tiếp cận kênh bán hàng mới

Một trong những lý do để Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển bình thường giữa đại dịch là sớm nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số và từng bước áp dụng vào các quy trình sản xuất, kinh doanh tại đơn vị mình.

Trên nền tảng online, công ty triển khai kết nối khách hàng, kết nối thông tin giữa các bộ phận điều hành, dùng thương mại điện tử (TMĐT) để duy trì hoạt động kinh doanh, từng bước đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT trong nước và toàn cầu.

Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ thương mại Minh Toàn Lợi (huyện Krông Năng) giới thiệu sản phẩm cà phê tại một hội nghị về liên kết chuỗi.

Hiện tại, đang có nhiều nền tảng TMĐT hỗ trợ kinh doanh tại DN như Shopee, Lazada, Alibaba… Đặc biệt, đầu năm 2021, công ty chú trọng và đầu tư phát triển TMĐT trên nền tảng Amazon - trang bán lẻ lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh dịch bệnh, đây là hướng đi hữu hiệu để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Chọn con đường này để đưa hàng hóa ra thế giới, công ty đã có những đơn hàng xuất khẩu trực tuyến giá trị. Đáng kể nhất là ngày 2-10 vừa qua, 10 sản phẩm như cà phê nhân (bao gồm thương mại và đặc sản), cà phê rang xay, cà phê hòa tan, hồ tiêu… của công ty đã được vận chuyển vào kho Amazon tại Mỹ để bán hàng. Không lâu sau đó, ngày 10-10, đơn vị có đơn hàng đầu tiên trên nền tảng này.

Bán hàng qua thương mại điện tử tại Công ty TNHH MTV ANH Coffee.

“Trong bối cảnh dịch bệnh, việc có những đơn hàng đầu tiên trên trang bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới là tín hiệu khả quan cho kênh bán hàng trực tuyến trong nước và quốc tế của đơn vị" - bà Lê Vũ Thùy Dung, Phụ trách bán hàng Phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho hay.

Với Công ty TNHH MTV ANH Coffee (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột), các hoạt động giới thiệu, quảng bá, tiếp thị sản phẩm đa phần là ở nước ngoài, nhưng dịch bệnh khiến mọi thứ bị “đóng băng”, các đơn hàng thương mại cũng không thể xúc tiến được. Những năm trước, mỗi tháng công ty có đến vài trăm đơn hàng xuất khẩu, nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, có tuần không có đơn hàng nào được xuất đi.

Khi đưa nông sản lên sàn TMĐT thì người bán phải xác định rõ đối tượng của mình là ai. Tuy nhiên, cho dù bán lẻ hay sỉ thì cũng nên đẩy mạnh TMĐT, hoặc trên những nền tảng công nghệ sẵn có để người sản xuất, kinh doanh ít nhiều hiểu được thị trường nội địa và quốc tế. Từ đó, tự nâng cấp sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường mà họ muốn hướng đến. TMĐT sẽ mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường cho các mặt hàng nông sản của Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung"

 
TS. Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II, thành viên Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT.

Để duy trì hoạt động kinh doanh, DN phải tính đến việc chuyển mình để thích ứng. “Thương mại trực tuyến và áp dụng chuyển đổi số là hình thức duy nhất để doanh nghiệp tồn tại” – ông Phạm Hoài Nguyên Anh, Giám đốc công ty khẳng định. Theo đó, công ty đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm công nghệ, đồng bộ các khâu từ việc áp dụng dây chuyền rang xay bán tự động, kế toán, lưu kho, đến quản trị khách hàng… Đặc biệt, công ty chú trọng phát triển nhiều kênh quảng bá và tham gia đưa sản phẩm bán trực tiếp đến khách hàng qua các kênh Youtube, Facebook, Zalo, Fanpage, website…

Mặt khác, ứng dụng công nghệ, xây dựng phần mềm bán hàng đa kênh HARAVAN; xây dựng dữ liệu DATA quản lý khách hàng của DN để nghiên cứu, thiết kế, sản xuất phù hợp với nhu cầu của khách. Nhờ đó, công ty đã tiếp cận, kết nối người tiêu dùng quốc tế với các sản phẩm do mình sản xuất; kinh doanh hiệu quả trên nền tảng TMĐT mà không cần phải tổ chức các hoạt động quảng bá thương mại truyền thống như trước đây. Tín hiệu tích cực trở lại khi số lượt người quan tâm, đặt mua hàng trên các ứng dụng trực tuyến của công ty tăng gấp 5 lần so với trước.

Có thể thấy, không ít DN kinh doanh nông sản của Đắk Lắk đã chủ động chuyển hướng kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Theo Sở Công thương, ngoài những doanh nghiệp chủ động tiếp cận kênh TMĐT thì thông qua công tác hỗ trợ của hoạt động xúc tiến thương mại Đắk Lắk, bước đầu đã có 25 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác tham gia các sàn TMĐT, với trên 150 sản phẩm hàng hóa.

Xu hướng tất yếu

Thế mạnh của Đắk Lắk là sản xuất nông nghiệp, các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như: cà phê, điều, hồ tiêu, cao su, ca cao, cây ăn quả… đã góp phần lớn vào tổng giá trị sản xuất cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát đã làm đứt gãy chuỗi lưu thông khiến việc cung ứng hàng hóa theo kênh truyền thống gặp vô vàn trở ngại. Trước tình thế đó, buộc các DN phải áp dụng công nghệ 4.0 trong kinh doanh.

Đến nay đã có nhiều DN, HTX trên địa bàn tỉnh tiến hành làm các thủ tục, đăng ký tham gia bán sản phẩm trên hai sàn TMĐT là Sendo.vn, Voso.vn... Đơn cử như: Công ty TNHH Êđê Cafe (huyện Krông Ana), Hợp tác xã (HTX) Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (huyện Krông Pắc), HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), Công ty TNHH Coffee G20 Việt Nam (TP. Buôn Ma Thuột)… đã chính thức mở bán sản phẩm trên sàn TMĐT Sendo.vn thông qua chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”.

Ông Lê Tấn Dũng, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến cho biết, từ sự hỗ trợ của các sở, ngành, sản phẩm của HTX cũng đã bán trên các sàn TMĐT. Mặc dù số lượng bán chưa được nhiều, nhưng thông qua sàn TMĐT, các sản phẩm của HTX đã được khách hàng trong cả nước biết đến.

Đại dịch COVID-19 làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng thương mại, dịch vụ trên toàn cầu, làm thay đổi các mô hình kinh doanh, quản lý và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, áp dụng TMĐT trên địa bàn diễn ra nhanh hơn. Đây cũng là hướng đi bắt buộc đối với mọi tổ chức, DN để thích ứng, tận dụng cơ hội mới nhằm phát triển, mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông sản Đắk Lắk.

Để kịp thời hỗ trợ cho lộ trình TMĐT, từ năm 2020 đến nay, Sở Công thương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về TMĐT dành cho đối tượng là cán bộ quản lý, DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh. Thông qua các lớp tập huấn, DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh có cơ hội nắm bắt xu thế, gia tăng cơ hội xuất khẩu, tìm hiểu và nắm bắt yêu cầu của nhà nhập khẩu trên thế giới, từ đó mở ra các cơ hội mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy xuất khẩu thông qua kênh TMĐT, quảng bá sản phẩm tới hàng triệu người mua hàng trên thế giới.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Còn nhiều khó khăn khi giao dịch xuyên biên giới

 

Minh Thuận – Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.