Multimedia Đọc Báo in

Thanh niên Buôn Đôn giúp nhau khởi nghiệp

07:21, 16/11/2021

Trong phong trào lập thân lập nghiệp, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Buôn Đôn không chỉ vươn lên làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ nhau cùng khởi nghiệp và phát triển.

Anh Nguyễn Quang Trung, Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Buôn Đôn cho hay, dựa trên tình hình thực tế, nhận thấy trên địa bàn huyện có nhiều mô hình nuôi ốc nhồi đem lại hiệu quả kinh tế, vào tháng 9-2021, Hội LHTN Việt Nam huyện đã thành lập Tổ hợp tác thanh niên nuôi ốc nhồi huyện Buôn Đôn (Tổ hợp tác) gồm 14 thành viên với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh ốc nhồi, qua đó phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ ổn định.

Anh Huỳnh Ngọc Hội (xã Ea Bar) là Tổ trưởng Tổ hợp tác. Anh có kinh nghiệm nhiều năm nuôi ốc nhồi và đã thành công. Bắt đầu từ năm 2018 chỉ với 20.000 con ốc giống thả lứa đầu tiên, đến nay anh đã mở rộng quy mô, mỗi tháng xuất ra thị trường khoảng 10 vạn con ốc giống và 2,5 tạ ốc thương phẩm, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, anh đang làm thử nghiệm, giới thiệu một số sản phẩm chế biến từ ốc nhồi được khách hàng phản hồi tốt. Đó chính là một trong những hướng anh sẽ phát triển trong thời gian tới để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Anh Huỳnh Ngọc Hội (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc nhồi cho thanh niên.

Sau khi nuôi ốc nhồi thấy có hiệu quả, anh Hội đã hỗ trợ kỹ thuật và giúp đỡ nhiều người cùng phát triển mô hình này. Như trường hợp của anh Nguyễn Văn Lâm (thôn 7, xã Ea Bar), hiện cũng là thành viên của Tổ hợp tác. Anh Lâm vốn có nghề làm cửa sắt nhưng vẫn muốn tận dụng quỹ đất trống hơn 1.000 m2 của gia đình cùng thời gian rảnh để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Được sự hỗ trợ của anh Hội, anh Lâm đã thử nuôi ốc nhồi với diện tích mặt nước trên 80 m2, đến nay đã được 3 lứa và cũng có những tín hiệu khả quan. Anh Lâm cho hay: “Chi phí đầu tư ban đầu để nuôi ốc không cao, thức ăn của ốc chủ yếu là thực vật thân mềm, lá cây, các loại rau củ quả thả nổi trên mặt nước nên dễ tìm, đặc biệt là có thể tận dụng thời gian rỗi trong ngày để chăm sóc”.

 

“Trong năm qua, Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế, tổ chức Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp cho thanh niên; hỗ trợ 8 dự án thanh niên khởi nghiệp với tổng trị giá 140 triệu đồng…”.

 
anh Nguyễn Quang Trung, Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Buôn Đôn

Tháng 10-2021, Hội LHTN Việt Nam huyện đã ra mắt Câu lạc bộ khởi nghiệp, sáng tạo huyện Buôn Đôn (CLB khởi nghiệp), nhằm giúp các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp trên địa bàn huyện có sân chơi và trao đổi kiến thức về khởi nghiệp. Định kỳ hằng tháng, CLB khởi nghiệp tổ chức gặp mặt các chuyên gia kinh tế chia sẻ kinh nghiệm theo từng chủ đề cụ thể để giúp các thành viên nâng cao kiến thức. Trên trang Fanpage của CLB khởi nghiệp cũng thường xuyên cập nhật, đăng tải những bài viết, câu chuyện truyền cảm hứng về các nhân vật, mô hình khởi nghiệp, làm kinh doanh hay, hiệu quả…

Ban chủ nhiệm CLB là những người đã trải qua quá trình khởi nghiệp và đã có những thành công nhất định, sẽ hỗ trợ các bạn trẻ trên con đường khởi nghiệp. Anh Hồ Thế Mỹ (SN 1992), Phó Chủ nhiệm CLB khởi nghiệp, hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Nông sản hữu cơ Việt Nguyên chuyên cung cấp giống cây măng tây, trồng măng tây và các loại sản phẩm hữu cơ… Trước khi gắn bó với cây măng tây và nông nghiệp hữu cơ, anh Mỹ trải qua khá nhiều nghề. Trong quá trình tìm hướng đi mới cho mình, anh tìm hiểu thấy cây măng tây được thị trường rất ưa chuộng, lại hợp khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Buôn Đôn nên anh kỳ công học hỏi, lập kế hoạch phát triển loại cây này. Đến nay, sản phẩm măng tây của công ty không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn xuất đi nhiều nơi.

Sản phẩm măng tây của anh Hồ Thế Mỹ được trưng bày tại hoạt động "Trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên" tại Buôn Đôn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với chi phí vừa phải, hiệu quả tốt (đầu tư ban đầu cho diện tích 1.000 m2 trồng măng tây khoảng 35 triệu đồng; sau 4 tháng bắt đầu cho thu hoạch, mỗi năm thu trong khoảng 9 tháng với tầm 300 kg/tháng, mỗi kg bán với giá 40 nghìn đồng trở lên), nên mô hình được nhiều hộ dân, thanh niên đến học hỏi và ứng dụng. Hiện nay, công ty anh đầu tư giống, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua sản phẩm cho bà con (khoảng 10 ha rải rác trên cả tỉnh) và xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nhằm tạo ra những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Với kinh nghiệm của mình và vai trò là Phó Chủ nhiệm CLB khởi nghiệp, anh Mỹ đã hỗ trợ tư vấn định hướng phát triển kinh tế cho những thanh niên chưa có việc làm, hoặc từ vùng dịch trở về; hỗ trợ marketing, hình ảnh, giúp các mô hình khởi nghiệp quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm; tiếp cận với các nguồn vốn….

Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.