Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp của thanh niên ở vùng biên Ea Súp

07:53, 13/10/2021

Thời gian qua, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp đã được nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Ea Súp tích cực hưởng ứng. Bằng nghị lực, quyết tâm và biết lựa chọn đúng hướng, nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp bước đầu thành công.

Điển hình như anh Hoàng Văn Tân (32 tuổi) ở thôn 9, thị trấn Ea Súp từng làm rất nhiều công việc nhà nông để cải thiện đời sống gia đình. Tuy nhiên, khí hậu vùng biên khắc nghiệt khiến sản xuất nông nghiệp bấp bênh, thu nhập không cao. Trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp, anh Tân quyết định xây dựng mô hình nuôi ốc bươu đen.

Cán bộ Huyện Đoàn Ea Súp tham quan mô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình anh Hoàng Văn Tân.
 

“Huyện có trên 100 mô hình thanh niên phát triển kinh tế và khởi nghiệp. Huyện Đoàn sẽ tuyên truyền, giới thiệu những mô hình hay, cách làm hiệu quả về khởi nghiệp, phát triển kinh tế, đồng thời tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án khởi nghiệp để hỗ trợ cho thanh niên đầu tư thực hiện các mô hình sản xuất".

 

 
Anh Nguyễn Đăng Quốc Vương, Phó Bí thư Huyện Đoàn Ea Súp

Năm 2019, anh đưa ốc bươu đen vào nuôi trên diện tích hơn 1 sào mặt nước của gia đình. Kỹ thuật nuôi được anh nghiên cứu, tìm hiểu trên sách, báo và mạng Internet. Quá trình nuôi, anh nhận thấy ốc bươu đen có thời gian sinh trưởng cũng khá nhanh, mỗi năm xuất bán 2 lứa; quá trình nuôi cũng không quá tốn kém, chí phí đầu tư thấp nhưng đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường. Hiện tại, trung bình 1 sào mặt nước nuôi ốc bươu đen mỗi năm anh Tân thu, xuất bán khoảng 4 tấn ốc, sau khi trừ chi phí anh lãi từ 100 - 150 triệu đồng. Đầu ra của sản phẩm khá thuận lợi khi thị trường rất ưa chuộng loại ốc này, thương lái thu mua tận nơi. Anh Tân còn nghiên cứu nhân giống thành công ốc bươu đen với tỷ lệ nở của trứng đạt mức cao; chủ động được ốc giống cho các lứa nuôi và còn bán ra thị trường. Đầu năm 2021 anh quyết định nhân rộng mô hình nuôi ốc bươu đen trên 7 sào diện tích mặt nước, dự tính năm nay có thể thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Với quyết tâm tạo ra sự thay đổi từ bản thân và truyền cảm hứng tới các bạn trẻ khác, chị Hiệp Thị Thanh (dân tộc Tày) ở thôn 1, xã Ea Lê đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng nấm bào ngư xám và nấm sò.

Chị Thanh dành rất nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu từ sách, báo, mạng Internet và đặc biệt là làm việc, trải nghiệm thực tế tại một số xưởng trồng nấm của những gia đình đi trước trong, ngoài tỉnh với thời gian tương đối dài. Sau khi có kinh nghiệm và nhận thấy ở chính địa phương xã Ea Lê cũng có những điều kiện thuận lợi để thực hiện mô hình, tháng 10-2019 chị quyết định triển khai trồng nấm trong khuôn viên sân vườn gia đình.

Mô hình làm nấm sò và bào ngư xám của chị Hiệp Thị Thanh.

Hiện nay, chị Thanh trồng với quy mô 2.000 phôi gồm nấm sò và nấm bào ngư xám, trung bình một tháng thu 2 lần và thu hoạch liên tục trong 8 tháng. Hiện chị bán với mức giá 50.000 đồng/kg nấm bào ngư xám và 35.000 đồng/kg nấm sò, sau khi trừ các chi phí đầu tư mỗi vụ nấm chị lãi khoảng 35 - 40 triệu đồng. Với thành công bước đầu, chị Thanh dự định đầu tư mở rộng thêm diện tích mô hình, đồng thời liên hệ kết nối để đưa sản phẩm vào các siêu thị.

Đức Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.