Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Đề nghị ưu tiên bố trí ngân sách cho vùng biên giới trong công tác phòng, chống mua bán người

15:47, 24/06/2024

Sáng 24/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) với 94,25% đại biểu tán thành.

Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Đóng góp ý kiến thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), các đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người như Tờ trình của Chính phủ; đồng thời nhận thấy dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, sửa đổi 52 Điều, bổ sung mới 9 Điều, bỏ 1 Điều với nhiều điểm mới tích cực. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp rất cụ thể, sâu sắc và đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Quan tâm tới phạm vi và đối tượng điều chỉnh, đại biểu cho biết, so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đối tượng là người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và điều kiện bảo đảm phòng, chống mua bán người, quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người.

Đại biểu cho rằng việc bổ sung đối tượng này là một chính sách quan trọng, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống mua bán người, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc thêm việc bổ sung nạn nhân là nạn nhân của các hành vi bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 2. Bởi rất nhiều trường hợp, ngay trong các doanh nghiệp cũng có thể có cưỡng bức lao động. Đồng thời đề nghị bỏ khoản 2 Điều 3 bởi đây là những hành vi không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Liên quan đến chính sách Nhà nước về phòng chống mua bán người, đại biểu đề nghị bổ sung thêm “vùng biên giới và đối tượng yếu thế” vào khoản 4 của dự thảo Luật. Vì khu vực biên giới và những nơi phức tạp về an ninh trật tự là những nơi dễ thực hiện hành vi lừa đảo, mua bán người. Và các đối tượng yếu thế, khuyết tật cũng là đối tượng mà tội phạm mua bán người nhắm đến. Do đó, đề nghị cần phải tập trung nhiều hơn.

Về quy định miễn trách nhiệm hình sự và xử lý hành chính đối với nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật quy định tại khoản 8 Điều 4 Dự thảo Luật này, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật quy định tùy từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân có thể không bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đối chiếu với quy định của Bộ Luật Hình sự và xử phạt vi phạm hành chính hiện hành thì không có quy định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và miễn xử phạt hành chính. Nếu quy định như dự thảo, cơ quan có thẩm quyền không đủ căn cứ triển khai trong thực tiễn.

Nên đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định những trường hợp, những hành vi nạn nhân bị ép buộc không bị xử phạt hành chính, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong dự thảo Luật. Đồng thời, bổ sung quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự trong Bộ Luật Hình sự vào trường hợp không bị xử phạt hành chính trong Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện khi Luật này có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Góp ý tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Tham gia ý kiến một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết, tại khoản 10, Điều 3 quy định: Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Đại biểu cho rằng việc xác định dấu hiệu, hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử và chế tài xử phạt trong thực tế là khó khăn. Do đó đại biểu đề nghị nghiên cứu thay đổi hành vi trên thành hành vi khác có tính chất tương đồng với tội làm nhục người khác.

Về chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người (Điều 5), tại khoản 4 điều này quy định: Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm vùng biên giới để được ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người.

Về đối tượng và chế độ hỗ trợ (Điều 37), tại khoản 3 quy định: Người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng chế độ hỗ trợ… đại biểu đề nghị bổ sung chế độ hỗ trợ học văn hóa đối với người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cũng góp ý về cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc