Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện tư tưởng “pháp trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

14:50, 04/10/2022

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, hiện tại nhiều tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với mục tiêu đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng sâu rộng, đạt nhiều kết quả hơn nữa.

Với chủ trương trên, Trung ương tiếp tục xác định rõ, phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, nhưng trong đó phải chú trọng “chống”, tức coi đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trước mắt. Nói cách khác, Trung ương khẳng định quan điểm kết hợp giữa “đức trị” và “pháp trị”, nhưng phải chú trọng đề cao “pháp trị”. 

1
Đoàn kiểm tra số 4, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk để công bố kết quả kiểm tra. Ảnh: Nguyễn Xuân

Với mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững mạnh, làm nền tảng cho sự ổn định và phát triển đất nước, lâu nay Đảng, Nhà nước luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, kêu gọi toàn xã hội sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Thực tế, quan điểm kết hợp giữa “đức trị” với “pháp trị” của Đảng, Nhà nước là thể hiện sự trung thành đối với tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Người luôn nhấn mạnh tới vai trò của pháp luật trong quản lý, điều hành đất nước và phải có những hoạt động tích cực, kịp thời để từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật. Pháp luật là bệ đỡ của dân chủ và không thể có dân chủ ngoài pháp luật. Mọi quyền dân chủ phải được thể chế hóa bằng pháp luật và pháp luật bảo đảm cho quyền tự do dân chủ được thực thi trong thực tế.

Đặc biệt, tư tưởng “pháp trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện nổi bật ở việc bảo đảm tính khoa học, hiệu lực và nghiêm minh của pháp luật. Hơn hai tháng sau khi tuyên bố Việt Nam độc lập, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 64-SL về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt và một Tòa án đặc biệt có nhiệm vụ giám sát và xét xử các sai phạm của các nhân viên từ trong các UBND các cấp đến cơ quan cao nhất của chính quyền (các bộ). Bốn ngày sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ký tiếp Sắc lệnh ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ sẽ bị phạt từ 5 đến 20 năm khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ.

Như vậy, chỉ trong vòng 3 - 4 tháng sau ngày tuyên bố nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung cao độ cho việc xây dựng bộ máy, trong đó có khía cạnh pháp luật chống tham nhũng, một trong những vấn đề lớn liên quan tới sự sống còn của chế độ mới. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tính nghiêm minh của pháp luật thật rõ ràng, dứt khoát: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và Chính phủ phải thật sự là công bộc của dân. Vì vậy, tư tưởng và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa “đức trị” với “pháp trị” luôn tiếp tục soi sáng công cuộc xây dựng đất nước của Đảng, Nhà nước và dân tộc ta.

Qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) cho thấy, Đảng, Nhà nước đã ngày càng nhấn mạnh về “pháp trị”, khi “pháp trị” tốt rồi mới “đức trị”. Chúng ta “vừa xây, vừa chống”, nhưng tình hình như hiện nay thì phải đặt “chống” trước, nhấn mạnh cái “chống” mới hiệu quả. Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nổi cộm trong thời gian qua được Đảng, Nhà nước xử lý quyết liệt, nghiêm minh, sai đến đâu xử đến đó đã nêu cao kỷ cương, phép nước, thể hiện đúng nghĩa tinh thần thượng tôn pháp luật.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.