Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị lấy ý kiến góp ý các dự thảo Luật

17:39, 20/05/2022

Chiều 20/5, tiếp tục chương trình làm việc, dưới sự chủ trì của Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Y Vinh Tơr, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho các dự thảo Luật gồm: Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình gồm 6 Chương, 62 Điều quy định các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và các điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Vinh Tơr chủ trì Hội nghị.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Vinh Tơr chủ trì Hội nghị.

Đối với dự thảo Luật này, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là điều cần thiết để ứng phó với vấn nạn này trong điều kiện hiện nay. Đồng thời đề nghị thiết lập “đường dây nóng” tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình nhằm kịp thời giúp đỡ người bị bạo lực gia đình; có quy định về điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh cho người bị bạo lực gia đình tạm lánh sau khi bị bạo hành; cần có các quy định cụ thể về xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình, đồng thời đề ra các giải pháp nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả tin báo về các vụ việc bạo lực gia đình trong cộng đồng…

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tư vấn trong phòng, chống bạo lực gia đình bằng hình thức phù hợp nhằm cung cấp thông tin, kiến thức, pháp luật về hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, quyền con người, bình đẳng giới trong gia đình, bởi đại biểu cho rằng nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình và bạo lực giới nói chung là xuất phát từ vấn đề thiếu kiến thức về pháp luật, các vấn đề bất bình đẳng giới, định kiến giới, định kiến thứ bậc trong gia đình, thiếu các kỹ năng ứng xử… từ đó tạo thành những cách giải quyết không phù hợp khi trong gia đình có mâu thuẫn, xung đột, làm tăng tình trạng bạo lực gia đình…

Đại biểu tham gia Hội nghị.
Đại biểu tham gia Hội nghị.

Đối với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi hành hung nhân viên y tế của người đại diện, người đến thăm hoặc người chăm sóc bệnh nhân; đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc và trách nhiệm ban hành “Tiêu chuẩn xác định tình trạng cấp cứu”, “Tiêu chuẩn nhập viện nội trú, nội trú ban ngày” tại Điều 53 về Cấp cứu; Điều 58, 59 về Điều trị nội trú và Điều trị nội trú ban ngày nhằm đảm bảo thuận lợi trong tổ chức thực hiện, cũng như hướng tới việc cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hợp lý, hiệu quả.

Đối với quy định tại Khoản 1, Điều 20 về “Dinh dưỡng, tiết chế trong điều trị gồm dinh dưỡng lâm sàng và việc sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị”, đại biểu đề nghị cần làm rõ “sản phẩm dinh dưỡng” có phải là “thực phẩm dinh dưỡng y học” được quy định tại Luật An toàn thực phẩm hợp nhất hay không.

Bà Phan Thị Cẩm Vân - Trưởng phòng Giám định Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk thảo luận tại Hội nghị.
Bà Phan Thị Cẩm Vân - Trưởng phòng Giám định Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Trường hợp “sản phẩm dinh dưỡng” không phải là thuốc và cũng không phải là thực phẩm chức năng, “sản phẩm dinh dưỡng” cần sử dụng trong điều trị bệnh suy dinh dưỡng theo quy trình chuyên môn, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể tại Luật khái niệm về “sản phẩm dinh dưỡng” và giao trách nhiệm Bộ Y tế ban hành danh mục, cơ chế cung cấp, quản lý và sử dụng “sản phẩm dinh dưỡng điều trị” trong khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu đề nghị cần trao thẩm quyền cho Chính phủ quy định về hiệu quả sử dụng băng tần, kênh tần số chứ không phải Bộ Thông tin và Truyền thông; cần bổ sung trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng thiết bị và tần số vô tuyến điện hoặc có liên quan trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý nhiễu có hại…

Các ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với các dự thảo Luật tại Hội nghị sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp để trình bày tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.