Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk phát huy vai trò cán bộ Mặt trận vùng đồng bào dân tộc thiểu số

08:23, 10/09/2021

Huyện Lắk hiện có 124 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 89 buôn dân tộc thiểu số (DTTS); dân số huyện có trên 74.500 người, riêng đồng bào DTTS chiếm hơn 67% dân số toàn huyện. Với đặc thù đó, cán bộ ban công tác Mặt trận các buôn là những người có vai trò đặc biệt quan trọng triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở khu dân cư...

Với vai trò, trách nhiệm của mình, nhiều năm nay ông Y Bhin Bkrông, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn Mliêng 1 (xã Đắk Liêng) và các cán bộ trong Ban đã không ngại nắng mưa “đi từng ngõ, gõ từng nhà” người dân trong buôn tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự tại khu dân cư. Song song với đó, Ban công tác Mặt trận buôn đã phản ánh những sự việc ở cơ sở đến với chính quyền cấp trên, từ đó những chính sách hỗ trợ đến kịp thời với người dân.

Cán bộ Ban công tác Mặt trận buôn Mliêng 1 (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) đến tuyên truyền tại một hộ dân trong buôn.

Đơn cử, vào cuối năm 2020, khi cơn bão số 12 ập đến, nhà cửa, vườn tược của nhiều hộ dân trong buôn bị ngập sâu hơn 1 mét. Sau khi nắm tình hình, Ban công tác Mặt trận buôn đã huy động lực lượng tại chỗ như đoàn viên thanh niên, phụ nữ hỗ trợ người dân di dời tài sản, vật nuôi đến vùng an toàn. Đồng thời, báo cáo lên UBND xã Đắk Liêng để kịp thời có chính sách hỗ trợ bà con. Khi mưa lũ đi qua, các thành viên Ban công tác Mặt trận buôn đến từng hộ dân thống kê chi tiết thiệt hại, lập danh sách gửi Ban Phòng, chống lụt bão xã để có hỗ trợ kịp thời.

Ông Y Bhin Bkrông cho biết, buôn Mliêng 1 có 151 hộ, với 726 nhân khẩu, trong đó có hơn 98% là đồng bào DTTS. Trong những năm qua, qua công tác tuyên truyền, vận động đã giúp bà con trong buôn dần thay đổi tập quán lạc hậu như sinh đông con, hay thói quen nuôi nhốt gia súc gần nơi sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Nhờ đó, nhiều hộ đã có ý thức thực hiện kế hoạch hóa gia đình, biết bảo vệ môi trường khu vực nơi ở… Những nét đẹp văn hóa truyền thống tiếp tục được bà con lưu giữ như dệt thổ cẩm, cúng mừng lúa mới, cúng mừng thọ, văn hóa cồng chiêng... Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn trong buôn cũng có nhiều thay đổi, đời sống tinh thần, vật chất của người dân ngày càng được nâng cao.

Còn tại xã Yang Tao, nhờ Ban công tác Mặt trận buôn làm tốt dân vận mà trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, phần lớn bà con tại các buôn trên địa bàn xã đều chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch.

Trước đó, vào ngày 11-8, do liên quan đến 2 bệnh nhân COVID-19, UBND huyện Lắk quyết định thực hiện cách ly xã hội tại 6 buôn của xã Yang Tao gồm: Dơng Bắk, Yôk Đuôn, Cuôr Tak, Cuôr, Drung và Bhốk, với tổng số 1.555 hộ, 5.225 nhân khẩu.

Để bảo đảm an sinh người dân cho vùng phong tỏa, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Yang Tao đã chỉ đạo Ban công tác Mặt trận các buôn trên địa bàn thường xuyên nắm bắt tình hình, sâu sát với bà con để tuyên truyền, vận động và hỗ trợ kịp thời trong thời gian cách ly xã hội.

Các cán bộ Ban công tác Mặt trận buôn Drung (xã Yang Tao, huyện Lắk) tặng nhu yếu phẩm cho bà con của buôn trong thời gian phong tỏa.

Là một trong 6 buôn thuộc diện phong tỏa vào hồi đầu tháng 8-2021, Ban công tác Mặt trận buôn Drung đã cùng sát cánh với bà con bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch hiệu quả, vừa chăm lo đời sống hằng ngày cho người dân.

Cụ thể, Ban công tác Mặt trận buôn đã phối hợp với Trạm Y tế xã nhanh chóng lấy thông tin, sắp xếp thời gian lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả bà con trong thời gian cách ly xã hội; thường xuyên nhắc nhở bà con giữ khoảng cách và tuyên truyền các hộ có con em trở về từ vùng dịch tuân thủ cách ly đúng quy định, hạn chế thấp nhất lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Song song với công tác phòng, chống dịch, cán bộ Ban công tác Mặt trận buôn đã vận động hỗ trợ 2 tạ gạo và nhiều nhu yếu phẩm khác để bà con yên tâm “ở yên một chỗ” phòng, chống dịch.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.