Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo chùa Cò

20:46, 16/01/2015
Trà Vinh là vùng đất cuối dòng Mê Kông, nằm giữa hai con sông lớn là Cổ Chiên và Bacsac (hay còn gọi là sông Ba Thắc); đây là một trong hai tỉnh ở miền Tây Nam bộ có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Người Khmer rất sùng đạo Phật (Nam Tông). Về Trà Vinh đến với chùa Cò (còn gọi là chùa Nodol) du khách sẽ khám phá nhiều điều hấp dẫn.
     Chánh điện chùa Cò.
Chánh điện chùa Cò.

Chùa Cò ở ấp Giồng Lớn, xã Đại An, huyện Trà Cú, cách thị xã Trà Vinh khoảng 40 km về phía Nam. Tới cổng chào của xã Đại An, rẽ vào tay trái, du khách theo con đường đất xuyên qua giữa hai bờ tre rợp mát đến một cổng tam quan sặc sỡ, có nhiều họa tiết độc đáo. Qua cổng, ta sẽ thấy hai hàng các pho tượng tiên nữ Apsara sắc màu rực rỡ chắp tay vái chào. Sau đó bạn lọt vào khu vực trung tâm chùa Cò và sẽ ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi đối diện với kiến trúc hoành tráng trong một không gian yên tĩnh nơi một vùng quê hẻo lánh. Từ đây, ta sẽ nhìn thấy rất nhiều chim, cò sải cánh bay lượn dập dìu không ngớt trên những mái ngói, những vòm cây, những đỉnh tháp thâm nghiêm. Chùa Cò kiến trúc theo phong cách Angkor, bao gồm cổng chùa, chính điện, tháp đựng cốt, nhà tăng, nhà hội... Khu chính điện với những mái xếp nhiều lớp, đuôi uốn cong theo hình rồng, đầu rắn Naga, đỉnh tháp nhọn hình núi Xôme và những tượng thần như Riehu, Mohabrom, Kâyno, Mahaknốt... Bên trong chùa, dọc trên vách là những dải tranh bích họa kể lại sự tích, cuộc đời của Đức Phật. Trên bệ chính điện có hai tượng Kim thân Phật lớn và nhỏ. Bao quanh khuôn viên chính điện là hàng rào với hàng trăm tượng chằn Year làm “bảo vệ”. Theo sư trụ trì Pháp Tấn, chùa Cò được xây dựng cách đây hơn 300 năm (1677). Sở dĩ ở đây có nhiều chim, cò là do “đất lành chim đậu”.

Chung quanh chùa được bao bọc bởi những rặng tre, những hàng cây sao, dầu, sầu đâu rợp bóng, xa hơn là những cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Người địa phương gọi là chùa Cò vì đã hơn 100 năm qua, khuôn viên chùa và những bờ tre bao bọc (khoảng 4 ha)  là nơi cư trú  rất bình yên của hàng nghìn con chim các loại như: cò, cồng cộc, bồ câu... Trong đó đông nhất là họ nhà cò với rất nhiều loại: cò trắng, cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen, cò ma...

Du khách sẽ rất thú vị khi nhìn thấy những đàn cò với nhiều chủng loại buổi sáng bay đi kiếm ăn, buổi chiều bay về tổ với tiếng kêu quang quác giữa một khung cảnh thâm trầm u tĩnh. Ta sẽ thấy yêu mến và muốn hòa đắm cùng với thiên nhiên hoang dã.

 Đặng Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.