Multimedia Đọc Báo in

Du lịch huyện Lak nỗ lực vươn mình

14:53, 04/01/2015

Nói đến du lịch Dak Lak, không thể không nhắc đến du lịch huyện Lak, nơi có hồ Lak huyền thoại - một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất cả nước với khoảng 500 ha, nằm ở độ cao hơn 500m so với mặt nước biển. Nơi đây đã và đang là điểm du lịch sinh thái độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước, với vẻ đẹp tự nhiên thơ mộng, hoang sơ...

Đa dạng các sản phẩm du lịch

Huyện Lak được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa. Một trong những điểm du lịch hấp dẫn ở đây là hồ Lak - điểm du lịch đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch với diện tích hơn 166 ha, gồm 4 phân khu: buôn M’Liêng, buôn Jun, trung tâm thị trấn Liên Sơn và khu du lịch sinh thái, nuôi thả thú rừng. Đến hồ Lak, du khách sẽ được thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên thơ mộng với hồ nước rộng mênh mông. Cạnh đó là buôn Jun với những ngôi nhà dài truyền thống của người dân bản địa nép mình dưới bóng cây xanh, được ngồi trên bành voi hay trên những chiếc thuyền độc mộc để du ngoạn phong cảnh. Bên kia hồ Lak là buôn cổ M’Liêng, nơi vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của người M’nông, Êđê. Ngoài ra, huyện Lak còn sở hữu nhiều điểm đến thú vị khác như: Thác Bìm Bịp (xã Yang Tao), rừng đặc dụng Nam Ka, Vườn Quốc gia Cư Yang Sin, khu căn cứ cách mạng thác Ba Tầng (xã Krông Nô)...

Đến du lịch hồ Lak, du khách không thể bỏ qua thú vui ngất ngưỡng trên lưng những chú voi khổng lồ lội qua hồ; rồi thong thả dạo qua khám phá những nét văn hóa, đời sống sinh hoạt thường nhật của những buôn đồng bào dân tộc M’nông sống ven hồ như buôn Jun, buôn M’Liêng… Hiện nay, loại hình du lịch cưỡi voi dạo hồ hoạt động hiệu quả nhất phải kể đến Hợp tác xã (HTX) Du lịch Buôn Jun. Ông Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Hiện nay tổng số thành viên trong HTX là 48 xã viên, trong đó 95% là người dân tộc thiểu số. Các dịch vụ của HTX rất đa dạng, từ cưỡi voi, chèo thuyền độc mộc tham quan hồ Lak đến du lịch kết hợp đi rừng, ở home stay, thưởng thức cồng chiêng… Nhưng dịch vụ được du khách trong và ngoài nước thích thú nhất là cưỡi voi dạo hồ, tham quan buôn làng”.

Cưỡi voi du ngoạn hồ Lak và tham quan buôn làng thu hút đông đảo  du khách mỗi khi đến nơi đây.
Cưỡi voi du ngoạn hồ Lak và tham quan buôn làng thu hút đông đảo du khách mỗi khi đến nơi đây.

Bên cạnh cưỡi voi du khách đến đây còn được tham quan, dạo chơi hồ Lak bằng thuyền độc mộc đầy kỳ thú. Ngồi trên thuyền, du khách có thể nhìn thấy những chú cá bơi lượn dưới hồ, nghe tiếng nước khua róc rách của mặt nước vào hai bên mạn thuyền, tiếng cá đớp mồi giữa không gian thơ mộng dễ khiến người ta trút bỏ hết những ưu tư, phiền muộn giữa cuộc sống đời thường. Đêm về du khách lại được chìm đắm trong không gian văn hóa cồng chiêng, vít cong cần rượu để ngất ngây trong tiếng chiêng rộn rã giữa núi rừng hoang sơ; được ngồi quây quần bên đống lửa bập bùng cùng nhịp xoang với đồng bào dân tộc, thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng đất Tây Nguyên như cơm lam, gà nướng, chả cá thác lác … mà không nơi nào có được.

Vẫn chưa cân xứng với tiềm năng

Theo báo cáo của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện thì từ đầu năm đến nay, du lịch huyện Lak đã đón hơn 8.000 lượt khách du lịch, trong đó khách nước ngoài là gần 5.000 lượt người với tổng doanh thu hơn 3,6 tỷ đồng. Nhìn vào lượng khách và tổng doanh thu thì dễ dàng có thể nhận thấy du lịch huyện Lak thật sự vẫn còn “khiêm tốn” so với tiềm năng. Du lịch huyện Lak vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có của mình, chưa thể trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Vì sao như vậy? Lý giải nguyên nhân này, ông Hoàng Ngọc Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin cho rằng: Nguyên nhân rõ nhất là do các điểm du lịch phát triển manh mún, đơn điệu, sản phẩm du lịch nghèo nàn, ô nhiễm môi trường sinh thái tại các điểm tham quan ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, việc kinh doanh du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp, đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ chưa được đào tạo bài bản, du khách cảm thấy hụt hẫng khi chứng kiến hình ảnh hồ Lak cạn nước, bị ô nhiễm, những chú voi già nua, gầy còm và tình trạng nhếch nhác tại các điểm tham quan...

Công bằng mà nói, thời gian qua huyện Lak đã rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy kinh tế du lịch của địa phương phát triển. Ông Nguyễn Anh Tú, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lak cho biết: Thời gian qua, huyện Lak đã tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến nhằm thu hút khách du lịch. Điển hình như các tuyến đường vào các điểm du lịch huyện Lak đã được bê tông, nhựa hóa 70% với tổng kinh phí gần 7,5 tỷ đồng; đường điện chiếu sáng công cộng quanh bờ hồ dài hơn 5,2 km với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng bảo đảm an toàn cho du khách khi dạo chơi, ngắm cảnh vào ban đêm. Song song với đó, các doanh nghiệp kinh doanh tại các điểm du lịch cũng đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng khu vực mình quản lý; hệ thống cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn tăng cả về “chất” lẫn “lượng”...

Còn theo ông Hoàng Ngọc Tài, huyện Lak xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, huyện sẽ tập trung đầu tư phát triển các loại hình du lịch gắn với các giá trị văn hóa như không gian văn hóa cồng chiêng; ưu tiên phát triển mô hình du lịch cộng đồng, tập trung phát triển ở khu vực buôn Jun, buôn M’Liêng và thị trấn Liên Sơn. Huyện cũng sẽ có nhiều cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp từng bước đầu tư, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa các buôn làng dân tộc Êđê, M’nông trên địa bàn. Ngoài việc hoàn thiện cơ chế quản lý, thu hút đầu tư, quảng bá sản phẩm, đào tạo nhân lực, huyện cũng sẽ xây dựng những sản phẩm du lịch thế mạnh, đặc thù của địa phương như: thương hiệu rượu cần M’nông, chả cá thác lác hồ Lak, cá lóc khô, du lịch cộng đồng, tham quan buôn làng, đi thuyền độc mộc, cưỡi voi dạo hồ... Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ là “cầu nối” đẩy mạnh liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm đưa du khách đến với hồ Lak, từng bước đưa khu du lịch Hồ Lak thành điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng trọng điểm hấp dẫn của vùng Tây Nguyên.

 Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.