Multimedia Đọc Báo in

Bản hùng ca của quân dân Ðắk Lắk

18:31, 30/04/2020

Thắng lợi của quân và dân tỉnh Đắk Lắk trong giải phóng Buôn Ma Thuột nói riêng, chiến dịch Tây Nguyên nói chung đã đóng góp những yếu tố quan trọng để làm nên bản hùng ca toàn thắng mùa Xuân 1975.

Mặt trận Đắk Lắk - “mắt xích” cắt đứt tuyến đường chi viện của địch

Việc chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu quyết chiến trong chiến dịch Xuân - Hè 1975 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Khi thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng đã tạo những thuận lợi rất cơ bản cho những bước tiếp theo của chiến dịch, trước hết là cắt đứt các tuyến chi viện của địch trên đường số 14 nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, Nam Tây Nguyên với Bắc Tây Nguyên, cô lập, tiêu hao và giam chân địch ở Bắc Tây Nguyên; cắt đứt tuyến chi viện trên đường 21 nối Tây Nguyên với các tỉnh đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ; cắt đứt tuyến chi viện trên đường số 7 nối Bắc Tây Nguyên với vùng đồng bằng Duyên hải Trung Bộ; cắt đứt tuyến chi viện từ đường số 27 nối Lâm Đồng với Đắk Lắk. Điều đó đã làm cho quân địch rơi vào trạng thái bị động, hoảng loạn, mất phương hướng chiến đấu. Do đó, ta đã tiêu diệt được một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng hành lang chiến lược nối liền Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ và đồng bằng Khu V, tạo cục diện chuyển biến lớn để mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, giành thắng lợi quyết định.

Những chuyến xe vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa phục vụ chiến dịch Tây Nguyên.   Ảnh: TTXVN
Những chuyến xe vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa phục vụ chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN

Đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đóng góp sức người, sức của

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy địa phương, đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã chủ động tiếp nhận, nuôi, đảm bảo bí mật cho bộ đội chủ lực. Sư đoàn 316, Sư đoàn 10 bộ binh – bộ đội chủ lực Tây Nguyên được đồng bào nuôi bằng khoai, sắn và rau rừng trên nương rẫy. Bộ đội với số lượng quân lên đến hàng nghìn người liên tục hoạt động trong hệ thống đồn bốt và trinh sát, tình báo của địch dày đặc nhưng nhân dân trên địa bàn không hề tiết lộ khiến địch bị động, bất ngờ trong cuộc tấn công Buôn Ma Thuột.

Trong đấu tranh, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã cống hiến sức người, sức của với hàng nghìn thanh niên tham gia thoát ly làm cách mạng, cài cắm người vào hàng ngũ địch. Đồng bào các buôn làng không kể thanh niên nam, nữ, trẻ già rất tích cực tham gia gùi cõng hàng hóa, đạn dược, đưa đường cho cán bộ, bộ đội. Các buôn làng đã ủng hộ, đóng góp lương thực, cung cấp thực phẩm, trâu bò, heo, gà… Mặc dù còn đói cơm, lạt muối, nhưng đồng bào đã thành lập các tổ vòng đổi công, xây dựng mặt trận đoàn kết các dân tộc, nuôi dưỡng thương binh; huy động hàng vạn ngày công lao động và nhiều phương tiện, đồ dùng, lương thực, thực phẩm để xây dựng, bảo vệ thông suốt hai tuyến hành lang phục vụ cuộc kháng chiến.

Đường hành lang chiến lược Bắc – Nam đi qua tỉnh Đắk Lắk góp phần vận chuyển nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, việc mở đường, khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam trên địa bàn Nam Tây Nguyên là nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn gian khổ. Vùng phía Nam tỉnh (Lắk, Quảng Đức, Đắk Mil) có vị trí chiến lược quan trọng, ở đây không chỉ có thế rừng núi hiểm trở mà còn là miền đất bản lề nối Khu V với Nam Bộ. Xây dựng vùng này thành căn cứ cách mạng là tạo thế liên hoàn nối liền Tây Nguyên với Nam Bộ, uy hiếp trực tiếp đồng bằng Trung Bộ, Nam Bộ và Sài Gòn.

Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột.    Ảnh: TTXVN
Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột. Ảnh: TTXVN

Với quyết tâm cao nhất để đưa kháng chiến tới thắng lợi cuối cùng, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là các buôn làng có đường hành lang đi qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa đón, cung cấp một phần lương thực, thực phẩm và bảo vệ an toàn cho các đoàn cán bộ, bộ đội từ miền Bắc vượt sông Sêrêpốk để vào Nam Bộ, tiếp sức cho cuộc kháng chiến trên toàn miền Nam. Ngoài ra, quân và dân các dân tộc trong tỉnh còn đóng góp hàng vạn ngày công cho việc làm hệ thống đường giao thông từ Ea Súp - Buôn Đôn - Buôn Ma Thuột, huy động hàng nghìn lượt người (kể cả voi và xe cơ giới) cho nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hàng hóa phục vụ chiến dịch. Đặc biệt, trên tuyến đường chiến lược, việc đưa xe tăng, pháo, bộ binh áp sát chờ giờ nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột được nhân dân giữ bí mật cho đến phút cuối cùng, qua đó góp phần làm nên chiến thắng lịch sử. Cùng với đó, lực lượng hành lang Đắk Lắk đã linh hoạt phối hợp với nước bạn Campuchia mở rộng vùng kiểm soát dọc tuyến hành lang, tạo sự liên hoàn, phối hợp có hiệu quả giữa các chiến trường trong kháng chiến.

Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành thắng lợi, tạo đà cho những chiến thắng liên tiếp

Trong chiến dịch Xuân - Hè 1975, nhiệm vụ trọng tâm của quân dân tỉnh Đắk Lắk là: “Lần lượt giải quyết dứt điểm quận Đức Xuyên, quận Lạc Thiện, yếu khu Đàm Ròng Phe - Tih, diệt và làm tan rã đại bộ phận sinh lực địch ở nông thôn, phối hợp với chủ lực giải phóng hoàn chỉnh hai huyện Đức Lập và Lắk; sau đó phát triển xuống Phước An, giải phóng các huyện phía nam đường 21. Các huyện khác tập trung lực lượng du kích và đội công tác phối hợp với trọng điểm của tỉnh diệt địch giành dân, giải phóng từng khu vực, tiến đến giải phóng toàn bộ nông thôn”. Thực hiện chủ trương đó, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, điều động cán bộ, động viên quần chúng nổi dậy giành chính quyền, giữ vững ý chí chiến đấu, kiên cường trụ bám chiến trường, liên tục tấn công địch, giành thắng lợi từng phần, từng địa phương cho đến giành thắng lợi quyết định, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, mở đầu cho sự sụp đổ dây chuyền và thất bại thảm hại của toàn bộ hệ thống chính quyền tay sai toàn miền Nam.

Voi vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Nhà Xuất bản Thông tấn)
Voi vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Nhà Xuất bản Thông tấn)

Ngày 30-4-1975 đi vào lịch sử dân tộc là một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới. Thắng lợi vĩ đại ấy là bước phát triển ở giai đoạn chín muồi của tất cả những phong trào đấu tranh, chống Mỹ của nhân dân ta trong cả nước, trong đó, phải kể đến những đóng góp to lớn của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.