Multimedia Đọc Báo in

Hầm vũ khí của biệt động Sài Gòn - chứng tích đặc biệt giữa lòng đô thị

14:53, 29/04/2020

Trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh có một “địa chỉ đỏ” rất đặc biệt. Đó là căn nhà số 287/70, hiện còn lưu giữ nguyên trạng hầm chứa vũ khí của biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968 và đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Điều đặc biệt trước hết bởi nhìn bên ngoài căn nhà nhỏ đơn sơ  như bao căn nhà của người dân lao động trong ngõ hẻm này, vậy mà bên trong có cả một hệ thống hầm bí mật được thiết kế công phu, cất giấu gần 2 tấn vũ khí, từ thuốc nổ, lựu đạn đến súng B40, súng AK và hàng nghìn viên đạn. Điều đặc biệt hơn nữa là căn nhà nằm ngay giữa nội đô, rất gần Dinh Độc Lập, vậy mà tất cả các hoạt động đào hầm, vận chuyển, cất giấu vũ khí đều được giữ bí mật, an toàn tuyệt đối, đến giờ G mới bất ngờ tung vào trận khiến kẻ địch không kịp trở tay.

a
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chi giới thiệu lịch sử di tích với du khách 

Theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Văn Chi, người trực tiếp trông coi di tích và hướng dẫn tham quan cho du khách thì người có công lớn làm nên điều đặc biệt này Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai và vợ là bà Đặng Thị Thiệp, cả hai đều là chiến sĩ biệt động thành. Khi đó, ông Lai làm việc trong Dinh Độc Lập với danh nghĩa thầu khoán. Được cấp trên giao nhiệm vụ, ông bà mua căn nhà này và bắt tay ngay vào việc. Ròng rã hơn nửa năm trời vừa tính toán thiết kế vừa thi công trong bí mật, ông bà đã hoàn thành căn hầm kích thước dài hơn 8 m, rộng 2 m, sâu 2,5 m, trát xi măng dày để chống thấm, có cửa thoát hiểm và các lỗ thông khí, có đủ sức chứa khoảng 2 tấn vũ khí. Đây được xem là căn hầm lớn nhất, có thiết kế chắc chắn và chứa nhiều vũ khí nhất tại nội thành Sài Gòn lúc bấy giờ, góp phần làm nên những trận đánh xuất quỷ nhập thần của lực lượng biệt động Sài Gòn.

Giữa đô thành với sự bố phòng, kiểm soát gắt gao của kẻ địch, việc đào hầm đã khó khăn, việc tập kết vũ khí còn khó khăn nguy hiểm hơn bội phần. Nếu bị địch phát hiện, các chiến sĩ biệt động phải tự phá hủy cho nổ vũ khí, cũng có nghĩa sẽ hy sinh để giữ bí mật cho cả tuyến vận chuyển lẫn hầm giấu vũ khí. Nhưng tình yêu nước và lòng dũng cảm, sự mưu trí đã giúp các chiến sĩ vượt qua mọi gian nguy. Vũ khí vận chuyển từ căn cứ về được kỳ công ngụy trang đủ kiểu, từ giấu vào các tấm ván rỗng bên trong, chèn bằng gạo để tránh tiếng động, đến chèn trong các sọt hoa quả hay chậu cây cảnh, khi đưa vô nhà chọn lúc tối muộn và chạy xe vào tận trong nhà…

a
Giới thiệu các loại vũ khí được cất giấu dưới hầm

Kỳ công, thận trọng tính toán từng ly từng tí một, cuối cùng hơn 2 tấn vũ khí đã được cất giấu an toàn trong hầm. Sau đó, khi có lệnh tấn công, đội biệt động Sài Gòn và các tiểu đoàn chủ lực đã bất ngờ tập kích chiếm giữ các mục tiêu, trong đó, 15 chiến sĩ Đội 5 đã nhận vũ khí từ căn hầm này, đưa lên xe ô tô  tiến về Dinh Độc Lập thực hiện trận đánh táo bạo khiến kẻ thù run sợ…

Còn rất nhiều điều đặc biệt quanh căn hầm bí mật này, như khi các chiến sĩ trong đội biệt động được lệnh tập trung về đây nhận vũ khí chuẩn bị chiến đấu, ngồi ngay trên miệng hầm rồi mà vẫn chưa biết sẽ lấy vũ khí ở đâu, sẽ đánh ở đâu; hay sau này quân địch nghi ngờ đã chiếm đóng căn nhà này, buộc vợ chồng ông phải đi nơi khác, nhưng chúng cũng khồng hề phát hiện ra căn hầm, mãi sau ngày thống nhất gia đình ông bà mới có cơ hội trở lại căn nhà và phục hồi nguyên trạng…

Được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi này là chứng tích sống động cho lòng yêu nước, trí thông minh, tinh thần quả cảm của các chiến sĩ biệt động thành, trở thành địa chỉ tham quan hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Di tích đã vinh dự được đón nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đến thăm. Đến thăm di tích vào năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ cảm tưởng: "Được chứng kiến những hiện vật tại di tích, tôi vô cùng ngưỡng mộ và cảm kích trước tinh thần yêu nước, mưu trí, dũng cảm, vì nước quên thân của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định..."

Báo Đắk Lắk Online xin giới thiệu một số hình ảnh vừa ghi lại tại di tích đặc biệt này:

a
Hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến thăm căn hầm...

 

a
...và lưu bút tích tại đây

 

a
Bộ ván được ngụy trang để giấu vũ khí chuyển về Sài Gòn 

 

a
Chiếc xe tô chở vũ khí từ căn hầm tiến đánh Dinh Độc Lập và nắp hầm ngay trên nền nhà

 

a
Khám phá một nắp hầm nằm ngay dưới bồn rửa trong khu vệ sinh phía sau nhà

 

a
Du khách nước ngoài thích thú tìm hiểu hiện vật dưới căn hầm

 

a
Căn hầm nhỏ có sức chứa lớn với đủ hệ thống thông hơi, thoát hiểm

 

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.