Multimedia Đọc Báo in

Muôn nẻo đường... nhậu - Kỳ 3: 1001 hệ lụy từ… nhậu

09:39, 27/07/2011
Trong đời sống thường ngày, nếu chuyện nhậu chỉ ở mức “vui có chừng, dừng đúng lúc”, làm chất xúc tác gắn kết trong mối quan hệ xã giao, vui vẻ cùng bạn bè thì không có gì đáng nói. Thế nhưng khi việc nhậu đã trở thành chuyện thường xuyên như cơm bữa thì đằng sau đó là nhiều hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến chính bản thân và gia đình của những người bước vào hàng ngũ “đệ tử lưu linh”…
 
Từ “hao tài”...
 
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Việt Nam có khoảng 350 cơ sở sản xuất bia có trụ sở ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước và tiếp tục tăng về số lượng; trong số này, có hơn 20 nhà máy đạt công suất trên 20 triệu lít/năm, 15 nhà máy có công suất lớn hơn 15 triệu lít/năm, và có tới 268 cơ sở có năng lực sản xuất dưới 1 triệu lít/năm. Trước sức uống “khủng khiếp” của người tiêu dùng, hàng loạt nhà máy bia tiếp tục được mọc lên, đồng thời nhiều hãng bia nước ngoài cũng đua nhau đưa hàng vào bán. Có thể nói, Việt Nam là một trong số các nước đứng đầu về ăn nhậu với gần 3 tỷ lít bia, rượu tiêu thụ hằng năm, ước tính tương đương 3 tỷ USD – chưa kể tiền đồ nhắm – đó là một con số không nhỏ.
S
Sau những cuộc nhậu “tới bến” là biết bao hệ lụy đi kèm.
Nhìn trên mặt bằng chung là vậy, còn dưới góc nhìn hẹp hơn, một phép tính đơn giản: Với mỗi một “chầu” nhậu nhỏ khoảng 3-4 người tại quán bình dân cũng đã tốn ít nhất khoảng vài trăm nghìn đồng; nếu đi đông người hơn thì cũng tốn đến cả triệu đồng; còn ở những quán hạng sang, nếu không “dắt túi” vài triệu thì đừng nghĩ đến việc bước vào quán. Một chủ quán nhậu nhỏ trên đường Mai Hắc Đế (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, dù chỉ kinh doanh nhỏ nhưng mỗi tháng cũng thu lãi vài chục triệu đồng; ở những quán nhậu lớn thì lãi càng nhiều hơn, có thể lên tới vài trăm triệu đồng/tháng. Chỉ làm một phép so sánh nhỏ giữa số tiền phải chi cho các chầu nhậu với số tiền lương hằng tháng nhận được, thì lẽ đương nhiên nếu nhậu nhiều sẽ phải thiếu hụt trong việc chi tiêu. Chính vì vậy có không ít người sau mấy chầu ăn nhậu đã phải vay mượn bạn bè tiền bạc vì lỡ “vung tay quá trán” đi đứt cả tháng lương cho những “buổi xã giao”.
 
...“cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”
 
Từ việc chi tiêu “thiếu trước, hụt sau”, cho đến việc “chơi xả láng, sáng về sớm” và bạo hành gia đình do nhậu nhẹt nhiều đã dẫn đến việc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống gia đình.
 
Trong những buổi ngồi tán chuyện với nhau, nhiều người vợ rất hay than thở về chuyện chồng, con trong đó thường xuyên và hầu hết đều than thở về việc có chồng hay đi nhậu nhẹt. Chưa biết việc đi nhậu có tạo dựng thêm nhiều quan hệ hay kiếm được bao nhiêu tiền, nhưng việc chồng cứ tối ngày đi nhậu, không đỡ đần, cùng nhau chia sẻ việc nhà và lúc nào về cũng thấy say khướt, khật khưỡng, rồi nôn ói, thậm chí đánh đập, chửi bới vợ con, nhiều người vợ đã không chịu nổi chỉ muốn làm đơn ly dị. Chị N.T.L ở phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) có chồng làm công chức nhà nước, do tính chất công việc nên anh thường phải tham gia các buổi tiệc rượu, tâm sự: Nhiều khi chị rất buồn lòng, chán nản và lo lắng mỗi khi đến chiều không thấy chồng về ăn cơm. Không chỉ buồn vì mỗi bữa cơm chiều sum họp gia đình thiếu vắng người chồng, người cha mà còn lo lắng cho chồng khi chếnh choáng hơi men đi đường dễ xảy ra tai nạn, lo chồng dùng rượu bia nhiều sẽ ảnh hưởng sức khỏe… Nhiều khi đến khuya vẫn chưa thấy chồng về chị lại càng thêm sốt ruột, đến nửa đêm thấy anh về nhà bình an mới cảm thấy nhẹ nhõm được phần nào mặc dù trong bụng đầy ấm ức, tức giận.
 
Không chỉ vậy, nhiều chị có chồng hay nhậu nhẹt còn cảm thấy không yên tâm về những khoản “tươi mát” sau các chầu nhậu của chồng mình. Hết tăng nhậu lại kéo thêm tăng hai, tăng ba, “mát xa, mát gần”, karaoke “ôm”… để vui vẻ với “em út” cũng là những điều làm các bà vợ khó chấp nhận được và từ đó dễ dẫn đến hạnh phúc gia đình bị đổ vỡ.

...đến “tật mang”
 
Ngoài những hệ lụy kể trên, việc sử dụng bia, rượu quá đà, không kiểm soát nổi bản thân, dẫn đến ẩu đả, gây rối trật tự công cộng thì cũng không phải là trường hợp hiếm thấy, thậm chí có hành vi cướp giật, trộm cắp để lấy tiền ăn nhậu và nổi máu côn đồ đâm chém nhau dẫn đến mất mạng. Có thể kể đến vụ án mạng vào ngày 9-6 vừa qua tại địa bàn xã Cư Kpô (huyện Krông Buk): Nạn nhân là anh N.T.G (SN 1985) trú tại thôn Kty 5, xã Cư KPô, sau khi đi uống rượu cùng với 4 người bạn về đến thôn Nam Anh, xã Cư Kpô thì xảy ra mâu thuẫn đánh nhau và bị ông N.M.C cùng người nhà cầm dao rượt đuổi, chém anh N.T.G 2 nhát ở đùi trái và lưng bên phải. Do vết thương quá nặng khiến anh N.T.G chết ngay tại chỗ. Hay như vụ cướp giật để lấy tiền ăn nhậu của tên T.T.T (SN 1989), trú thôn 3, xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) đã cùng bạn nhậu rủ nhau đi cướp giật tài sản. Khi đến đoạn ngã ba đường Phan Chu Trinh và Nguyễn Chánh, phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột), chúng phát hiện có một người phụ nữ đang ngồi trên xe máy dựng ở lề đường để nhắn tin bằng điện thoại di động. T.T.T liền xuống xe, đi bộ đến gần người phụ nữ này và giật chiếc điện thoại di động hiệu Samsung rồi chạy về phía tên đồng bọn đang nổ máy xe chờ sẵn để tẩu thoát. Ngay lúc đó, tổ công tác của công an phường Thắng Lợi đi tuần tra đêm đã phát hiện, bắt giữ hắn cùng tang vật chuyển giao cho Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội – CA TP. Buôn Ma Thuột.
k
Không ít vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân là do bia, rượu (ảnh minh họa)
Hơn thế nữa, một điều dễ xảy ra sau cuộc nhậu là tình trạng không làm chủ được tay lái của các “đệ tử lưu linh”, gây tai nạn giao thông. Vụ tai nạn của anh L.V.M tại thôn 6, xã Ea K’pam (huyện Cư M’gar) vào cuối năm 2010 luôn làm đau xót khi nhắc đến: Sau khi đi ăn cỗ tại nhà người quen về do trong người đã chếnh choáng hơi men không làm chủ được bản thân, anh đã điều khiển phương tiện đâm vào cột bê tông bên vệ đường. Mặc dù được người dân gần đó kịp thời phát hiện và đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên anh đã tử vong khi tuổi đời còn rất trẻ (33 tuổi), để lại người vợ và hai đứa con thơ.
 
...và chuốc bệnh vào thân
 
Uống rượu, bia rồi mất kiểm soát, không làm chủ bản thân gây ra án mạng, tai nạn giao thông… là những điều dễ dàng thấy ngay trước mắt. Còn về lâu dài, theo các bác sĩ, uống rượu, bia nhiều sẽ dẫn đến những tác hại khác cho sức khỏe.
 
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, một số bệnh thường gặp của những người nghiện rượu và sử dụng nhiều rượu, bia gồm bệnh về gan, tim mạch, gút, phổi, viêm loét dạ dày – tá tràng. Đặc biệt là hiện nay, trên thị trường có bày bán nhiều loại rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không được kiểm định nên dẫn đến tình trạng bị ngộ độc rượu rất cao có thể khiến người sử dụng rượu dần dần phá hỏng nội tạng, hỏng hệ thần kinh, gây xơ vữa mạch, viêm cơ tim, xơ gan… và cấp tính có thể bị hôn mê co giật, hạ đường huyết, tụt huyết áp dẫn đến tử vong. Một trường hợp bị loạn thần kinh do rượu dẫn đến hành vi đánh bị thương  4 người đã xảy ra ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào tháng 2 vừa qua: Bệnh nhân Đ.Đ.D (SN 1955, thường trú thôn 11, xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo), sau khi được đưa vào cấp cứu ở Khoa Tim mạch đã lên cơn hoảng loạn đánh và làm bị thương cụ bà B.T.T. (72 tuổi, ở xã Dak Môn, huyện Dak Song, tỉnh Dak Nông) đang nằm điều trị giường bên cạnh và một số người khác. Sau gần 2 tiếng đồng hồ mọi người mới khống chế được đối tượng và chuyển qua Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Tại đây, các bác sĩ đã khám, chẩn đoán bệnh nhân mắc chứng rối loạn thần kinh do rượu bia gây ra và được cho uống thuốc, truyền nước điều trị. Nhưng khoảng vài giờ sau, bệnh nhân lại lên cơn hoảng loạn đập phá các dụng cụ y tế của bệnh viện, đánh và gây thương tích anh N.V.Đ - một bệnh nhân đang điều trị tại đây cùng 2 bảo vệ khi đang tìm cách khống chế bệnh nhân Đ.Đ.D.
Nhóm PV

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.