Multimedia Đọc Báo in

Quốc tế nỗ lực tìm giải pháp cho Idlib - điểm nóng xung đột tại Syria

08:06, 08/09/2018
Chính phủ Syria đang trên bờ vực của một cuộc giao tranh đẫm máu để giành quyền kiểm soát khu vực rộng lớn cuối cùng từ tay lực lượng nổi dậy: Idlib. Hiện các chuyên gia đang lo ngại các chiến dịch quân sự ở tỉnh tây bắc Syria này có thể gây nên một thảm họa nhân đạo khủng khiếp. Gần 3 triệu người sống ở Idlib, trong đó hơn một nửa trong số họ phải rời bỏ nhà cửa để sơ tán đến những nơi khác trong nước do chiến tranh. Ngoài dân thường, còn có lực lượng nổi dậy và một tổ chức khủng bố đang chiếm ưu thế ở Idlib.
 
Vì sao Tổng thống Syria Assad muốn tấn công Idlib?

Theo các chuyên gia, lý do mà ông Assad muốn tiến hành một cuộc tấn công quân sự trên quy mô lớn là bởi ông hy vọng sẽ đánh bại các nhóm nổi dậy trước khi chúng hợp nhất quyền lực ở Idlib.

Lực lượng quân đội của ông Assad đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc tấn công với việc điều động hàng nghìn binh lính, các xe bọc thép và trực thăng tới gần tỉnh Idlib trong những tuần qua. Nga, lực lượng ủng hộ chính của ông Assad đã triển khai các tàu mang tên lửa và nhiều chiến đấu cơ trên biển Địa Trung Hải, nhằm ngăn chặn sự can thiệp của phương Tây. Cộng đồng quốc tế đang lo ngại về việc chiến binh ở Idlib có thể sẽ sử dụng tới vũ khí hóa học.

Cuộc nội chiến ở Syria xảy ra từ năm 2011 với phe chính phủ được Nga và Iran ủng hộ, chiến đấu với các nhóm nổi dậy chống chính phủ do Thổ Nhĩ Kỳ và một số lực lượng khác hậu thuẫn. Theo ước tính từ năm 2016, con số thương vong ở Syria trong cuộc nội chiến này là 400.000 người nhưng hiện nay con số chắc chắn cao hơn nhiều, đặc biệt khi cuộc chiến này ngày càng dữ dội trong hơn 2 năm qua.

Cần phải nhấn mạnh, tỉnh Idlib hiện có khoảng 2,9 triệu dân, nhưng hàng chục nghìn người trong đó là các tay súng nổi dậy. Trong khi đó, tại đây, ước tính cũng có tới 10.000 tay súng thánh chiến thuộc nhóm Mặt trận Al Nusra trước đây, một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al Queda tại Syria.

Cảnh đổ nát sau các vụ tấn công tại Idlib. (Ảnh: AFP)
Cảnh đổ nát sau các vụ tấn công tại Idlib. (Ảnh: AFP)

Thực tế thì tấn công Idlib không phải là chiến dịch đầu tiên chống lại phe nổi dậy trong năm nay của chính quyền ông Assad. Vào tháng 2-2018, lực lượng của chính phủ Syria đã tấn công và giành lại được Đông Ghouta, vùng ngoại ô của thủ đô Damacus bằng chiến lược "vây khốn và buộc quy hàng". Chiến lược này của chính quyền ông Assad thực sự hiệu quả khi phe nổi dậy không có thức ăn, thuốc uống sẽ nhanh chóng mất đi tinh thần và khả năng chiến đấu, còn dân thường trong các khu vực bị vây hãm thường hợp tác với chính phủ để sống sót.

Giải pháp nào cho Idlib?

Cuộc chiến ở Idlib có thể khiến người dân ở đây phải trải qua một thảm họa nhân đạo tồi tệ khi họ hầu như không thể tiếp cận các nhu cầu cơ bản như thức ăn, nước uống và chăm sóc y tế. Chính phủ cũng không cung cấp điện cho tỉnh này nên hàng triệu người phải dựa vào các máy phát điện. Nhưng nếu chiến tranh xảy ra, các máy phát điện cũng khó mà vận hành được và người dân cũng gặp khó khăn hơn khi tiếp cận với các dịch vụ khác.

Vấn đề sẽ ngày càng tồi tệ hơn khi người dân ở Idlib thậm chí không thể sơ tán đến nơi an toàn hơn. Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc đã đóng lại, còn chính quyền Tổng thống Assad kiểm soát các vùng lãnh thổ ở phía đông, nam và tây. Cách duy nhất để họ rời khỏi đây là khi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có thể tiến hành một thỏa thuận và tạo một hành lang nhân đạo cho dân thường sơ tán khỏi Idlib.

Bùng phát năm 2011, cuộc xung đột tại Syria đang ngày càng trở nên phức tạp với sự can dự của nước ngoài và sự trỗi dậy của các nhóm thánh chiến cực đoan. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, cuộc khủng hoảng này đã không còn là của riêng của người Syria nữa, mà đã trở thành chiến trường cho các nước đối địch trong khu vực “tính toán” lẫn nhau.

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley hôm 4-9 khẳng định, phần lớn các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đều ủng hộ cuộc họp bàn giải pháp tránh nguy cơ một cuộc chiến đổ máu tại Syria. Bà Niki Haley một lần nữa nhắc lại những cảnh báo mới đây của Tổng thống Donald Trump về khả năng quân đội Syria sẽ sử dụng vũ khí hóa học. Theo Đại sứ Nikki Haley, nếu tình huống này xảy ra, Mỹ, Pháp và Anh sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để đáp trả như từng làm hồi tháng 4-2018.

Cùng ngày, Đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria Staffan de Mistura kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiến hành họp khẩn qua điện thoại nhằm tránh nguy cơ một cuộc chiến đổ máu tại Idlib. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian kêu gọi các bên liên quan thống nhất một giải pháp. Theo ông, điều quan trọng hiện nay là mọi con đường phải dẫn tới đàm phán, chứ không phải là đối đầu. Nếu không, tất cả sẽ đi tới một tình huống thảm họa, đặc biệt là đối với dân thường.

Trước những cảnh báo của phương Tây, Phủ Tổng thống Nga hôm 4-9 một lần nữa khẳng định, tỉnh Idlib, vùng lãnh thổ hiện do phe nổi dậy kiểm soát tại Syria đang trở thành “một ổ khủng bố mới” và nếu không nhanh chóng dập tắt, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, theo Reuters, ngày 5-9, phụ tá Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết Moscow muốn tổ chức đối thoại 4 bên với Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc xung đột tại Syria. Theo ông Ushakov, tất cả các bên đều đã nhất trí tổ chức cuộc đối thoại tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Hiện các cố vấn của 4 nước đang làm việc để chọn ra thời điểm cụ thể. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng cho rằng một cuộc tấn công nhằm vào Idlib của Syria do phiến quân kiểm soát sẽ là một cuộc thảm sát.

Có lẽ cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều không muốn Idlib trở thành một thảm họa nhân đạo tiếp theo. Các chuyên gia nhận định, Moscow không muốn cuộc chiến ở tây bắc Syria trở thành một chiến dịch dài kỳ. Còn Ankara không muốn mạo hiểm khi ngày càng có nhiều người Syria tràn sang vùng biên giới phía bắc trong khi nước này đã tiếp nhận 3,5 triệu người tị nạn. Chính điều này đã khiến Nga ủng hộ chính quyền ông Assad và Thổ Nhĩ Kỳ vốn hậu thuẫn phe nổi dậy chống chính quyền cùng nhìn về một phía trong cuộc xung đột. Các nhà phân tích nhận định rằng cả hai quốc gia sẽ cố gắng đưa ra một thỏa thuận để đưa dân thường sơ tán trước khi cuộc giao tranh căng thẳng diễn ra.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.