Multimedia Đọc Báo in

Nhiệt huyết từ trái tim

10:10, 30/01/2021

Năm 2020 đi qua với nhiều khó khăn bởi những tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid -19 và thiên tai. Song, tia nắng ấm của phong trào thiện nguyện đã giúp cho bức tranh xã hội thêm phần tươi sáng...

Một lực lượng hùng hậu góp sức tạo nên tia nắng ấm ấy chính là lớp người trẻ. Họ đã cống hiến sức trẻ và nhiệt huyết trái tim, thắp lên ngọn lửa yêu thương, mang lại niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Đều đặn các ngày Chủ nhật trong tuần, Y Việt Niê (SN 1987, hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng) lại chở nhu yếu phẩm đi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nghe ở đâu có người cần giúp đỡ là Y Việt lại hỏi địa chỉ rồi đến tận nơi hỗ trợ kịp thời. Y Việt cho biết, để có kinh phí giúp đỡ mọi người, hằng tháng anh trích 1,5 triệu đồng trong số tiền lương ít ỏi của mình và kêu gọi thêm sự trợ giúp của cộng đồng. Nhờ vậy, trong mấy năm qua anh đã giúp nhiều người có gạo ăn khi đói, có quần áo ấm mặc khi rét, người bị tật nguyền có phương tiện đi lại và nhiều trẻ em có sách vở, quần áo mới đến trường…

Với Y Việt, chỉ cần giúp đỡ được người có hoàn cảnh khó khăn là bản thân anh đã thấy vui và hạnh phúc rồi.

Y Việt (bên phải ảnh)
Y Việt (bên phải ảnh) và món quà - chiếc xe lăn tặng cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. 

Với mong muốn lấp dần sự chênh lệch giữa môi trường giáo dục ở các thành phố với vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, tháng 8-2019, thầy Mai Văn Chuyền, giáo viên Trường THCS Ngô Mây, xã Ea Mroh (huyện Cư Mgar) đã thành lập Câu lạc bộ “Vì đàn em thân yêu” để dạy học phụ đạo ngoài giờ miễn phí cho các em học sinh, giúp các em củng cố kiến thức sau những giờ học ở trường. Sau hơn 1 năm hoạt động, Câu lạc bộ đã tổ chức được 8 “Lớp học yêu thương” vào các buổi tối tại 2 xã Ea H’đing và Ea Mđroh. Tham gia lớp học, gần 300 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 được bổ trợ kiến thức các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh cùng một số môn năng khiếu như: guitar, võ thuật... 

Thầy giáo Mai Văn Chuyền (áo xanh) bên các học trò trong lớp học
Thầy giáo Mai Văn Chuyền (áo xanh) bên các học trò trong lớp học phụ đạo ngoài giờ miễn phí

Cùng với “Lớp học yêu thương”, Câu lạc bộ “Vì đàn em thân yêu” còn đưa vào hoạt động “Ngôi nhà trí tuệ” tại xã Quảng Hiệp với các lớp tiếng Anh, cờ vua và khoảng 1.000 đầu sách đủ thể loại, giúp các em  vừa học vừa chơi, tự do khám phá vào mỗi cuối tuần.

Chỉ trong hơn 1 năm qua, Câu lạc bộ đã vận động được hơn 3.000 bộ sách giáo khoa, trên 10.000 cuốn vở cùng nhiều suất học bổng, phần quà cho học sinh nghèo. Nhờ đó, hàng trăm học sinh nghèo tại đây đã được tiếp cận hình thức giáo dục hiện đại và có thêm niềm vui trong học tập. Thầy giáo Mai Văn Chuyền chia sẻ: "Mong muốn ban đầu của mình chỉ là tạo ra một hình thức học tập xuyên suốt cho các em thôi. Nhưng khi càng làm thì thấy cần phải đổi mới. Đầu tiên chỉ là dạy học truyền thống, bồi dưỡng kiến thức nhưng sau đó lại thấy phải học thêm tiếng Anh, trang bị thêm những phương pháp học tập mới như học trực tuyến, rồi các kỹ năng sống. Từ đó thái độ học tập của học sinh được cải thiện rất nhiều, kỹ năng học tập cũng tốt hơn. Kết quả tích cực của các em chính là động lực rất lớn cho tất cả thầy cô giáo, tình nguyện viên tham gia câu lạc bộ này".

Tuấn trong một chuyến thiện nguyện về với người dân vùng khó khăn.
Phạm Thành Tuấn trong một chuyến thiện nguyện về với người dân vùng khó khăn.

Trong chiếc điện thoại thông minh của Phạm Thành Tuấn, Giám đốc doanh nghiệp xã hội tại Đắk Lắk, ảnh về các vùng đất anh đã đến trong những chuyến thiện nguyện chiếm dung lượng lớn. Đó là những nếp nhà xiêu vẹo, tạm bợ, là hình ảnh những đứa trẻ nhếch nhác, lấm lem bùn đất, người dân thiếu áo ấm, co ro chống chọi với cái rét, hay những lớp học còn dột nát, học sinh thiếu sách vở để học... Những hình ảnh ấy là động lực thôi thúc Tuấn phải tìm ra lối riêng trên con đường thiện nguyện mà anh đang theo đuổi. Với vai trò Giám đốc điều hành Công ty TNHH đường sách Buôn Ma Thuột, Tuấn đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về cộng đồng tại đường sách vào những ngày thứ 7 và chủ nhật hằng tuần. Thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, Tuấn đã phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh triển khai cây ATM gạo để cung cấp gạo miễn phí cho người nghèo. Từ cây ATM đầu tiên đặt tại đường sách, chỉ trong 2 tháng Tuấn đã nhân rộng được 12 cây ATM gạo tại nhiều địa điểm khác nhau và đã cung cấp hơn 200 tấn gạo cho người dân.

Không muốn dừng lại ở những hoạt động thiện nguyện theo sự vụ, Tuấn ấp ủ một kế hoạch thành lập Công ty từ thiện để chủ động tổ chức các chương trình thiện nguyện có quy mô, đảm bảo tính bền vững. Và tháng 5-2020, Doanh nghiệp xã hội của anh ra đời. Theo Tuấn, khi tham gia vào Doanh nghiệp xã hội, các cá nhân sẽ cùng nhau thực hiện mục tiêu mang tính xã hội, lợi nhuận thu được sử dụng để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ đầu tư. Sau hơn 6 tháng đi vào hoạt động, với việc dồn tất cả những nguồn lực có thể vào 2 hoạt động chính là đưa sách xuống các buôn làng và tạo ra các điểm kết nối để các nhóm thiện nguyện tổ hợp lại với nhau, Doanh nghiệp xã hội của Tuấn đã xây dựng được 20 thư viện cho 20 buôn nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Những thư viện này đã cung cấp 500 đầu sách và khoảng 600 học sinh được thụ hưởng. 

Kim Oanh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.