Multimedia Đọc Báo in

Thiếu nhân lực ở Bệnh viện Đa khoa huyện Lắk: Khéo co… cũng khó ấm

08:26, 28/03/2017

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Lắk luôn hoạt động trong tình trạng thiếu nhân lực. Vì thế, mỗi bác sĩ ở đây đều phải “gồng” gánh nhiều việc, còn bệnh viện thì gặp khó khăn trong triển khai các dịch vụ, kỹ thuật phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Như Khánh, Giám đốc BVĐK huyện Lắk, bệnh viện có quy mô 110 giường bệnh, nếu tính theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 5-6-2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước thì cần tối thiểu 121 nhân lực. Song, nhân lực của bệnh viện hiện chỉ có 87 người. Thiếu nhân lực, nhất là lực lượng bác sĩ chỉ có 16 người (bao gồm cả lãnh đạo của đơn vị), bệnh viện luôn phải hoạt động trong tình cảnh “giật gấu vá vai”: một bác sĩ phải gánh nhiều việc; giữa các khoa phòng thường xuyên luân phiên, hỗ trợ lẫn nhau, khoa ít bệnh san sẻ cho khoa nhiều bệnh, thậm chí Ban Giám đốc cũng phải “xắn tay áo” tham gia khám, chữa bệnh mới  giải quyết được lượng bệnh nhân đến mỗi ngày…

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Phó Trưởng khoa Nội – Nhi – Nhiễm (BVĐK huyện Lắk) thăm khám cho người bệnh điều trị nội trú tại khoa.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Phó Trưởng khoa Nội – Nhi – Nhiễm (BVĐK huyện Lắk) thăm khám cho người bệnh điều trị nội trú tại khoa.

Mặc dù hoạt động trong điều kiện thiếu nhân lực nhưng bệnh viện vẫn cố gắng bảo đảm chất lượng điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực nên bệnh viện không thể hình thành các chuyên khoa lẻ như: Mắt, Tai – Mũi – Họng, Răng – Hàm – Mặt. Trên thực tế, một số bác sĩ của bệnh viện đã học xong chuyên khoa I, chuyên khoa lẻ hoặc định hướng về chuyên khoa lẻ vẫn phải tham gia công tác điều trị chung, không thể tập trung vào chuyên khoa sâu. Bác sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Phó Trưởng khoa Nội – Nhi – Nhiễm chia sẻ: “Tôi hoàn thành chương trình đào tạo CKI về Mắt đã được một thời gian, nhưng hiện vẫn thực hiện công việc của một bác sĩ đa khoa. Những lúc có bệnh nhân khám mắt thì tôi lại “chạy sô” xuống khoa Khám – cấp cứu, xong việc ở đó tôi lại về khoa Nội – Nhi – Nhiễm. Nếu triển khai được các phòng khám chuyên khoa là điều rất tốt, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, nhưng trong tình cảnh thiếu nhân lực trầm trọng như hiện tại thì chúng tôi cũng không có cách nào hơn, chỉ ái ngại cho người bệnh, mỗi khi muốn khám chuyên khoa thì phải chờ đợi”.

Không những thế, việc thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là bác sĩ còn kéo theo hệ lụy là bệnh viện khó có thể triển khai được các dịch vụ, kỹ thuật mới, hiện đại. Bác sĩ Khánh cho biết chính vì nguồn nhân lực không bảo đảm nên việc cử các y bác sĩ đi đào tạo ở tuyến trên để nắm bắt các kỹ thuật mới về triển khai tại địa phương cũng gặp không ít trở ngại. Do đó, tại các khoa mũi nhọn của bệnh viện như Ngoại – Sản, Khám – cấp cứu, rất nhiều kỹ thuật không thể triển khai, đồng nghĩa là người bệnh phải chuyển lên điều trị ở tuyến trên. 

Được biết, để giải bài toán “khát” bác sĩ, ngoài chế độ trợ cấp, thu hút của tỉnh, thời gian qua BVĐK huyện Lắk đã chủ động xây dựng chính sách thu hút phù hợp với điều kiện của đơn vị mình. Bác sĩ Khánh tâm sự: “Trong những năm qua, bệnh viện cũng đã nỗ lực quảng bá, thu hút nhân lực có trình độ, chuyên môn về công tác. Ngoài chế độ đãi ngộ của tỉnh, mỗi bác sĩ về nhận công tác tại bệnh viện sẽ được đơn vị hỗ trợ ban đầu 5 triệu đồng từ nguồn tiết kiệm chi. Trong điều kiện của một đơn vị tuyến huyện khó khăn thì mức hỗ trợ này là một sự cố gắng rất lớn đối với chúng tôi, nhưng vẫn khó có thể cạnh tranh với các đơn vị khác, nhất là các bệnh viện tư nhân. Vì vậy, chưa thực sự thu hút được các bác sĩ về với đơn vị”.

Rõ ràng, để giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực ở BVĐK huyện Lắk mang tính căn cơ, lâu dài, thiết nghĩ ngoài những nỗ lực của đơn vị, chính quyền địa phương cũng cần có những chính sách ưu đãi để có thể thu hút được nguồn nhân lực chất lượng, sẵn sàng gắn bó lâu dài để khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. 

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.