Multimedia Đọc Báo in

Nỗi niềm "làng góa phụ"

14:33, 19/01/2015

Thôn Tam Hòa (xã Ea Tam, huyện Krông Năng) có nhiều phụ nữ độ tuổi từ 30 - 45 sống trong cảnh cô quạnh, phải một mình bươn trải với cuộc sống nuôi con khi những người chồng của họ đã chết sớm do bệnh hiểm nghèo.

Nỗi buồn góa phụ

Dẫn chúng tôi thăm những phụ nữ không may mắn mất chồng sớm,  Bí thư chi bộ thôn Tam Hòa Hà Thế Việt tranh thủ giới thiệu, thôn Tam Hòa có 158 hộ với 705 nhân khẩu trong đó 85% dân số ở đây là người dân tộc Nùng di cư từ tỉnh Cao Bằng vào từ những năm 90 của thế kỷ trước. Độ gần chục năm trở lại đây, đã có 18 người đàn ông trẻ đang trong độ tuổi sung sức và là lao động chính trong gia đình chết vì bệnh tật để lại vợ góa, con côi. Xe chúng tôi men theo con đường đất đỏ vượt qua vài con dốc đến một khu nhà năm trên triền đồi. Anh Việt cho biết, 3 căn nhà nhỏ nằm sát nhau là của mẹ con bà Sầm Thị Mòn (62 tuổi)- gia đình của những phụ nữ góa. 

Bà Sầm Thị Mòn đang giữ cháu cho con gái đi làm thuê.  Bà Sầm Thị Mòn đang giữ cháu cho con gái đi làm thuê.
Bà Sầm Thị Mòn giữ cháu cho con gái đi làm thuê. 

Trong căn nhà cô quạnh với những vật dụng chẳng có gì giá trị, bà Mòn đang chăm sóc những đứa cháu nhỏ cho con trai, con gái bà đi làm thuê. Bà cho biết: Bà mất chồng từ khi còn trẻ; năm 1990 ở quê làm ăn khó khăn nên bà mang con từ Cao Bằng vào đây sinh sống. Do không có chồng nên chẳng khai phá được nhiều đất, cả 4 mẹ con chỉ được 2 sào đất. Khi hai đứa con gái lấy chồng, bà để cho chúng dựng nhà trên phần đất của mình còn bà ở với con trai. Cũng như mẹ, hai người con gái của bà đều chịu nỗi đau mất chồng sớm. Hỏi bà con cái đi đâu hết mà nhà cửa vắng tanh, bà rầu rĩ: “ Con Nhìn (Bế Thị Nhìn SN 1976, con gái của bà) đang phải đi hái cà phê thuê. Nó với chồng có được 4 đứa thì cách đây 5 năm chồng nó mất. Một mình nó đi làm thuê cho người ta may lắm cũng đủ gạo ăn, nên 3 đứa con lớn của nó phải bỏ học để đi làm thuê, chỉ còn đứa nhỏ đang được đi học”. Ngoài chị Nhìn, bà Mòn còn có một người con khác là Bế Thị Lan cũng có chồng mất sớm để lại hai đứa con nhỏ. Chị Lan nay đã mang theo con nhỏ sang Gia Lai sống. 

Cách nhà bà Mòn không xa là nhà của chị Hoàng Thị Thỏ (SN 1968). Năm 2007 chồng chị mất sớm để lại cho chị 3 đứa con. Chồng mất, ruộng nương không có lấy một mảnh, chị Thỏ một vai hai gánh lầm lũi làm thuê, làm mướn đủ nghề để nuôi 4 đứa con. “Ngày chồng bỏ mẹ con mình đi mình cũng buồn chán lắm, chỉ muốn buông xuôi, nhưng thương 4 đứa con nên phải gồng gánh đi làm thuê làm mướn kiếm gạo về nuôi chúng. Có nhiều bữa mưa gió không ai thuê thì phải đi ứng gạo của người ta về ăn trước, đến khi cần việc họ gọi mình đi làm trả nợ”, chị kể trong nước mắt. Đến nay, hai đứa con lớn của chị vì hoàn cảnh nghèo khổ đã phải nghỉ học giữa chừng để đi làm thuê nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo đuổi mẹ con chị. “18 chị em trong thôn dù có mất mát nhưng họ vẫn luôn nỗ lực vượt qua khó khăn phát triển kinh tế, đến nay chỉ còn 3 hộ trong số này là hộ nghèo do thiếu đất sản xuất”, anh Việt cho hay.

  Trăm sự tại... rượu

Tôi thắc mắc với anh Việt tại sao trong làng lại có nhiều đàn ông chết trẻ trong một thời gian ngắn như vậy? Anh chua chát trả lời: Một số người mất do bệnh hiểm nghèo không thể chữa trị, nhưng một số khác là do uống nhiều rượu.  Nguyên do dân ở Tam Hòa chủ yếu là người dân tộc Nùng ở các huyện miền núi của tỉnh Cao Bằng di cư vào, mà có một đặc thù thời kỳ trước những năm 90 của thế kỷ trước thì ở ngoài đó người dân vẫn tự trồng chế biến, sử dụng thuốc phiện. Ngoài ra, ở ngoài bắc lạnh nên thường uống rượu để cho ấm. Khi vào đến đây, họ cai thuốc bằng cách uống rượu, uống để cắt cơn thèm thuốc sinh ra nghiện rượu, số khác thì con nghiện rượu sẵn từ ngoài kia khi vào đến đây tiếp tục uống. Do uống rượu với lượng nhiều kéo dài trong một thời gian dài dẫn đến mắc nhiều bệnh hiểm nghèo và qua đời.  

Đến thăm gia đình chị Nông Thị Xuân (SN 1971), khi chị đang cùng với hai đứa con hái cà phê của gia đình ở rẫy. Khuôn mặt khắc khổ, ánh mắt buồn rười rượi chị tâm sự, năm 1992 chị xây dựng gia đình, chồng chị là một người thanh niên khỏe mạnh hơn chị 3 tuổi. Sau những ngày đầu sống chung với nhau trong hạnh phúc, chị vỡ lẽ anh đang nghiện thuốc phiện. Nghe xã tuyên truyền hút thuốc phiện sẽ gây hại cho gia đình và xã hội nên chồng chị quyết tâm từ bỏ. Anh gói gém đồ đạc rồi bỏ vào rừng sống, được mấy tháng thì anh trở về và đã từ bỏ được thuốc phiện. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, để từ bỏ được thuốc phiện anh đã tìm đến rượu, cắt được cơn nghiện thuốc thì anh chuyển sang nghiện rượu. “Nó uống suốt ngày, cứ mở mắt ra là uống đến trưa say thì về ngủ, tỉnh dậy lại đi uống cho đến tối mịt. Không có tiền thì nó đi nợ quán, đến mùa thu hoạch lúa, ngô phải chở đi trả cho người ta. Khổ lắm!”. Sau những năm tháng uống rượu triền miên, năm 2011, chồng chị bị bệnh gan nặng và mất, bỏ lại cho chị 3 đứa con. Dù mất chồng nhưng chị Xuân vẫn nỗ lực để vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, gia đình chị cũng đã có 1,5 ha cà phê, thu nhập hằng năm cũng giúp mẹ con chị trang trải được cuộc sống.

Ông Hoàng Văn Đình, trưởng thôn Tam Hòa vui mừng thông báo, hiện nay tình trạng uống rượu ở địa phương đã giảm hẳn, không còn nhiều người nghiện rượu mà bê trễ công việc như ngày xưa nữa. Họ thấy những người từng nghiện rượu bị mất sớm để lại vợ trẻ, con dại bơ vơ lấy đó làm gương mà tập trung làm ăn phát triển kinh tế, đến nay, chỉ còn 9 hộ trong thôn là hộ nghèo.

 Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.