Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Những cách làm hay của Hội Phụ nữ xã Ea Nuôl

14:32, 19/01/2015
Thành lập mô hình “Gian hàng sạch”, “Trồng rau sạch” hay “Tổ dịch vụ gia đình an toàn” là những cách làm mà Hội Phụ nữ xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) đã và đang thực hiện để chung tay góp phần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.

Tổ dịch vụ gia đình an toàn của Chi hội phụ nữ thôn M’Dhar 2 thành lập từ năm 2012, với số lượng 30 thành viên được chia thành 3 nhóm, nhận nấu ăn cho các đám tiệc trên địa bàn. Chúng tôi gặp tổ vào đúng ngày các chị em đang tất bật chuẩn bị nấu tiệc tân gia cho khách. Trong nhà, xoong nồi chuyên nấu ăn được lau rửa sáng bóng, xếp ngay ngắn, thẳng hàng, còn các loại thực phẩm như thịt, cá, tôm được bày biện ngăn nắp và được che đậy cẩn thận. Là 1 trong 2 “đầu bếp” chính của buổi tiệc, chị Nguyễn Thị Thủy kể: “Trước khi tham gia vào tổ dịch vụ, tất cả các thành viên đều được tham gia lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm do Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn tổ chức. Đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu, từ khâu chọn thực phẩm đến quá trình bảo quản, chế biến luôn được tổ dịch vụ thực hiện đúng và đầy đủ. Với những loại thực phẩm tươi sống, các chị em phân công nhau chọn mua và chỉ chế biến trong ngày, riêng với dụng cụ nấu nướng luôn được giữ gìn sạch sẽ”. Chị Bùi Kim Thoa, người đứng ra thành lập tổ dịch vụ cho biết: “Lấy phương châm “Sức khỏe của khách cũng là của mình” làm kim chỉ nam hoạt động nên các thành viên trong tổ rất tỉ mỉ trong việc lựa chọn thực phẩm đến cách chế biến, bảo quản. Nhờ vậy, tổ nhận được sự tin tưởng và tín nhiệm không chỉ của người dân trong thôn mà cả ở những xã khác. Tính trung bình, mỗi tháng, tổ nhận được khoảng từ 3-5 hợp đồng, giúp chị em có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Điều đáng mừng hơn là sau khi buổi tiệc kết thúc, tổ dịch vụ gia đình đều được các hộ gia chủ khen, bày tỏ sự hài lòng khiến chị em ai cũng vui”.

Chị Nguyễn Thị Quý bên mô hình “Trồng rau sạch” của gia đình
Chị Nguyễn Thị Quý bên mô hình “Trồng rau sạch” của gia đình

Cũng chú trọng bảo đảm VSATTP, mô hình “Gian hàng sạch” của Chi hội phụ nữ thôn Hòa Nam 2 đã thu hút nhiều hội viên tham gia. Chị Nguyễn Thị Thuận, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn cho biết: “Trên địa bàn có khu vực họp chợ nên đa số chị em ở đây kinh doanh, buôn bán các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm. Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tiểu thương kinh doanh thực phẩm trên địa bàn về thực hiện các quy định vệ sinh ATTP, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, chi hội phụ nữ thôn thành lập mô hình “Gian hàng sạch” và vận động, khuyến khích các hội viên kinh doanh, buôn bán đăng ký tham gia, đồng thời phải cam kết bán các loại hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”. Là người có thâm niên lâu năm trong nghề, chị Nguyễn Thị Oanh, chủ một cửa hàng tạp hóa tâm sự: “Trước đây, mỗi lần nhập hàng về bán tôi không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ mà chỉ để ý đến giá thành của sản phẩm. Khi trực tiếp tham gia mô hình “Gian hàng sạch”, nhận thức rõ sự ảnh hưởng trực tiếp của các loại hàng giả, hàng kém chất lượng đến sức khỏe của con người nên gia đình tôi kiên quyết nói không với sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bởi vậy bây giờ, khi nhập hàng, chúng tôi kiểm tra rất kỹ, nếu thấy hết hạn, hay nhãn mác không rõ ràng là loại bỏ ngay. Mô hình “Gian hàng sạch” giúp người bán và cả người tiêu dùng yên tâm hơn hẳn khi có điều kiện lựa chọn sử dụng các sản phẩm bảo đảm chất lượng”.

Với Chi hội phụ nữ thôn Hòa Phú, việc vận động hội viên tham gia mô hình “Trồng rau sạch” không chỉ giúp có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn góp phần nâng cao nhận thức cho chị em trong việc nuôi trồng bảo đảm VSATTP. Chị Nguyễn Thị Quý, một trong những hội viên đầu tiên tham gia mô hình chia sẻ kinh nghiệm: “Trồng rau sạch thường không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để kích thích, thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây nên rau chậm lớn lại hay gặp sâu bệnh, lợi nhuận vì thế cũng ít đi. Biết là thế nhưng vì an toàn cho người tiêu dùng nên chúng tôi chấp nhận lấy công làm lãi, chỉ đầu tư trồng rau sạch. Để hạn chế các loại sâu bệnh gây hại, chúng tôi trồng rau theo mùa và xen kẽ những loại khác nhau giữa các luống, đồng thời tranh thủ bắt sâu vào buổi tối. Tuy tốn nhiều thời gian và công sức hơn nhưng đổi lại những người trồng rau theo mô hình này vừa được lao động trong môi trường an toàn, không có hóa chất độc hại, vừa đáp ứng được mong muốn cung cấp những sản phẩm rau xanh bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Bởi vậy nên sau khi được chi hội phụ nữ thôn phát động, trong thôn có hàng chục chị em tham gia mô hình “Trồng rau sạch” tại gia đình”.

Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều mô hình mà hội viên phụ nữ xã Ea Nuôl đã và đang triển khai nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện VSATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”. Chị Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Thông qua các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức và khuyến khích xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn liền với bảo đảm VSATTP, phụ nữ trên địa bàn đã dần thay đổi thói quen trong việc lựa chọn, chế biến thực phẩm theo hướng tích cực, góp phần xây dựng nếp ăn ở vệ sinh, bảo vệ môi trường sống”.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.