Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn trong công tác giảm nghèo ở Cư Kuin

07:02, 23/06/2020

Một trong những dấu ấn đáng kể của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cư Kuin trong nhiệm kỳ vừa qua là kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Xác định phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, Huyện ủy Cư Kuin đã tổ chức quán triệt các nghị quyết của cấp trên liên quan đến việc thực hiện chính sách giảm nghèo đến tất cả tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Đồng thời, xây dựng các nghị quyết ngắn hạn, dài hạn và chương trình hành động của Huyện ủy, UBND huyện để cụ thể hóa các nghị quyết và chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ triển khai những chương trình lồng ghép; các tổ chức, đoàn thể chú trọng tuyên truyền vận động người dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chủ động áp dụng những mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, ngoài các chính sách, dự án trong Chương trình giảm nghèo, đối với những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Cư Kuin đã triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách riêng và ưu tiên nguồn lực cho những đối tượng này.

 Chị Đàm Thị Kim Anh (thôn 4,  xã Cư Êwi) dẫn khách tham quan trang trại gà của  gia đình.
Chị Đàm Thị Kim Anh (thôn 4, xã Cư Êwi) dẫn khách tham quan trang trại gà của gia đình.

Giai đoạn 2016 – 2020, huyện Cư Kuin đã phân bổ hơn 21,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và vốn huy động để thực hiện công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai hiệu quả những chính sách về tín dụng ưu đãi, dạy nghề cho người nghèo, khuyến nông – khuyến lâm, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở và trợ giúp pháp lý. Nhờ đó, trong 5 năm qua, địa phương đã đạt được những kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo. Cụ thể, nếu như năm 2016, toàn huyện có 2.263 hộ nghèo (chiếm 9,33% tổng số hộ), hộ cận nghèo 2.994 hộ (12,34%) thì đến cuối năm 2019, số hộ nghèo giảm còn 930 hộ (3,66%), cận nghèo 2.496 hộ (9,82%). Dự kiến đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 2,66%.

Xã Cư Êwi được đánh giá là một trong những điểm sáng về thực hiện Chương trình giảm nghèo của huyện Cư Kuin. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện, dân cư đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và đồng bào từ các tỉnh phía Bắc di cư vào. Để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, lãnh đạo xã đã thực hiện những giải pháp đột phá là đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, đồng thời hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong đó chú trọng phát triển các trang trại chăn nuôi. Nhờ đó, từ cuối năm 2017, địa phương đã ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn, toàn xã hiện có 1.885 hộ, nhưng chỉ còn 140 hộ nghèo, 293 hộ cận nghèo.

Điển hình trong thoát nghèo, vươn lên làm giàu tại địa phương là gia đình anh Đặng Văn Tịnh (thôn 3). Trước đây gia đình anh chỉ trông chờ vào 2 sào đất ruộng vụ được, vụ mất nên thường xuyên nằm trong diện hộ nghèo. Năm 2010, anh vay vốn đầu tư đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc; sau khi về nước, gia đình anh xây được nhà, mua ô tô và đầu tư trang trại chăn nuôi bò, hiện có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Hay như gia đình chị Đàm Thị Kim Anh (thôn 4) trước đây cũng thuộc diện khó khăn. Năm 2018, chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng 200 triệu đồng, đầu tư trang trại chăn nuôi gà thả vườn quy mô 4.000 m2. Hiện trang trại này mang lại cho gia đình chị thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.

Cơ ngơi khang trang của gia đình anh Đặng Văn Tịnh, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin.
Cơ ngơi khang trang của gia đình anh Đặng Văn Tịnh, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy, Chương trình giảm nghèo bền vững của huyện đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, các tầng lớp dân cư và của chính người nghèo. Thời gian tới, huyện sẽ chú trọng tuyên truyền để người dân không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chủ động vươn lên thoát nghèo; huy động hỗ trợ từ doanh nghiệp, hình thành mối liên kết với nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ; đồng thời, chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xuất khẩu lao động…

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.