Multimedia Đọc Báo in

Thêm cơ hội cho cà phê Việt

08:45, 02/10/2019

Đầu tháng 9 vừa qua, với sự ủng hộ của các tác nhân trong ngành, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã tổ chức thành công Đại hội Chi hội Cà phê đặc sản với sự tham gia của gần 60 tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh đến từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk.

Sự ra đời của Chi hội Cà phê đặc sản đã tạo dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của ngành Cà phê Việt Nam. Bởi trên thế giới, việc sản xuất, kinh doanh cà phê đặc sản diễn ra trên gần 100 năm nay; hiện tại các nước sản xuất, tiêu thụ cà phê đặc sản đã có những tổ chức riêng dành cho những người yêu mến cà phê đặc sản như Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới (Specialty Coffee Association), Hiệp hội cà phê chất lượng cao Châu Phi PFCA (African Fine Coffee Association)…

Còn ở Việt Nam, cà phê đặc sản đã manh nha hơn 5 năm nay và nó không còn mới nữa, nhưng lại phát triển tự phát, chưa có sự kết nối nên khi thương mại vẫn bị ép giá như cà phê thông thường. Đã có trường hợp chất lượng thử nếm cà phê của 2 đơn vị tương ứng nhau nhưng khi bán cho cùng 1 nhà thu mua lại bị chênh lệch lên đến hàng chục triệu đồng/tấn! Do đó, Chi hội Cà phê đặc sản là một tổ chức đại diện cho tiếng nói và lợi ích của các thành viên, góp phần tạo ra thị trường cà phê đặc sản Việt Nam minh bạch, công bằng hơn cho các bên tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh cà phê đặc sản.

Các chuyên gia thử nếm Cupping cà phê tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019. Ảnh: Thanh Hường
Các chuyên gia thử nếm Cupping cà phê tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019. Ảnh: Thanh Hường

Hơn thế nữa, mặc dù lượng cà phê đặc sản chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng cà phê (giá trị tương đương trên 3% sản lượng cà phê thông thường), nhưng lại mang sứ mệnh dẫn dắt chất lượng, thị trường cho 688.400 ha cà phê trên cả nước, tương ứng với sản lượng hơn 1,6 triệu tấn mỗi năm.

Để sản xuất ra cà phê đặc sản, ngoài chi phí đầu tư nhân công cao còn phải kỳ công từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản và chỉ cần sơ suất kỹ thuật một chút thì chất lượng thử nếm đã giảm. Chính vì thế, Chi hội Cà phê đặc sản được thành lập với sự tham gia của các chuyên gia trong ngành trên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, thị trường… sẽ là sợi dây kết nối người sản xuất cà phê đặc sản lại với nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm, nhận định thị trường, tăng tính cạnh tranh trong thương mại, từng bước thúc đẩy cà phê đặc sản phát triển theo hướng công bằng cho người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần thực hiện sứ mệnh quảng bá, dẫn dắt chất lượng, thị trường cho cà phê Việt.

Nguyên Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.