Multimedia Đọc Báo in

Tuổi cao vẫn say mê lao động

08:51, 14/07/2019

Với bản tính cần cù, chăm chỉ, nhiều nông dân dù tuổi đã cao vẫn hăng say tìm tòi, triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.

Từng là đội trưởng đội sản xuất cà phê của Nông trường Cà phê Cư Pul (nay là Công ty TNHH Hai thành viên Cà phê Cư Pul) nên ông Y Mi Êban (62 tuổi, ở buôn Ea Kmát, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) nắm vững quy trình canh tác, kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng... sao cho hiệu quả.Tháng 6-2006, ông Y Mi nghỉ hưu theo chế độ. Không quen rảnh rỗi, ông bắt tay vào cải tạo vườn cây rộng hơn 1 ha của gia đình.

Từ độc canh cây cà phê, ông trồng xen thêm hồ tiêu. Ông trồng trước cây muồng để làm trụ sống cho hồ tiêu, tuân thủ đúng tỷ lệ xen canh 3:1 (cứ cách 3 hàng cà phê thì xen 1 hàng hồ tiêu), ưu tiên dùng các loại phân bón hữu cơ bón cho vườn cây. Từ khi trồng xen canh, vườn cà phê nhà ông Y Mi quanh năm tươi tốt nhờ những trụ tiêu “sống” che bóng chắn gió giúp tiết kiệm được lượng nước tưới, cây sinh trưởng khỏe mạnh hơn. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu về hơn 2 tấn cà phê và 5 tạ tiêu. Khi vườn cà phê tới thời kỳ cần tái canh, ông Y Mi trồng sầu riêng thay các gốc cà phê già cỗi.

Ông thường xuyên đọc báo, nghe đài cập nhật thêm các kiến thức về nông nghiệp, nhất là “bí quyết” chăm sóc vườn cây đa canh... Ông Y Mi bộc bạch: “Lao động giúp tôi cảm thấy cuộc sống có ích, vui vẻ hơn. Đồng thời, tôi sẽ tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thực tế để phổ biến lại cho bà con trong buôn”.

Ông Y Mi trong vườn cà phê xen hồ tiêu của gia đình.
Ông Y Mi trong vườn cà phê xen hồ tiêu của gia đình.

Mong ước sở hữu một nông trại để vui sống khi về già, từ một người làm kinh doanh, ông Nguyễn Ngọc Giáo (54 tuổi, ở phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã mạnh dạn dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Giáo bỏ ra một số tiền khá lớn mua hơn 6 ha đất của người dân quanh vùng. Không ngại vất vả, bằng ý chí quyết tâm ông tự mình đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm xây dựng nông trại ở nhiều địa phương khác. Hễ nghe đâu có mô hình kinh tế hay, ông lại khăn gói đến tận nơi tìm hiểu. Thậm chí, ông còn thuê cả kỹ sư nông nghiệp tư vấn nên trồng cây gì, nuôi con gì để có hiệu quả kinh tế cao. Cuối cùng, ông Giáo quyết định xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng theo kiểu hiện đại.

Phần đất bằng phẳng, tươi tốt, ông trồng tiêu, cây ăn trái như bơ, sầu riêng, vải thiều…; đất trũng thì đào ao nuôi cá chim, cá trê, cá rô phi. Hơn 3 ha đất còn lại, ông dựng trại nuôi gà siêu trứng với số lượng khoảng 2.000 con. Song song đó, ông còn nuôi thêm heo nái và heo lấy thịt. Toàn bộ quy trình chăn nuôi hoàn toàn tự động và khép kín; đặc biệt khâu khử trùng phòng dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại luôn được ông Giáo coi trọng hàng đầu. Nhờ được đầu tư, chăm sóc bài bản mà lợi nhuận từ nông trại của ông Giáo đem lại rất lớn, ước tính đến đầu năm 2019 trang trại thu về trên 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nông trại còn góp phần tạo công ăn việc làm cho 8 lao động địa phương với mức lương ổn định trên 7 triệu đồng.

Ông Giáo (bên phải) giới thiệu về mô hình nuôi gà siêu trứng.
Ông Giáo (bên phải) giới thiệu về mô hình nuôi gà siêu trứng.

Làm nông luôn gắn với cảnh “dầm sương dãi nắng” đòi hỏi sức khỏe, song bằng niềm đam mê lao động, ông Y Mi, ông Giáo vẫn không chùn bước. Tuổi càng cao, các ông càng hăng say làm việc, xem đó như thú vui tuổi già, làm tấm gương cho con cháu noi theo.

Đan Thanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.