Multimedia Đọc Báo in

Người tiêu dùng cần lắm thái độ ứng xử phù hợp từ phía doanh nghiệp

08:44, 25/10/2018

Hàng giả, nhái, kém chất lượng và các hình thức xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục gia tăng và ngày càng tinh vi hơn. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp giải quyết sự cố về chất lượng, dịch vụ sản phẩm lại cố tình dây dưa kéo dài, gây bức xúc đối với người tiêu dùng.

Mới đây nhất có thể kể đến vụ việc của anh Trần Tường Vinh (phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột). Theo đó, ngày 22-5, anh có sử dụng dịch vụ giao hàng của Công ty Cổ phần Dịch vụ G.H.N. ở TP. Buôn Ma Thuột để giao một chiếc điện thoại di động hiệu Iphone 6S Plus, trị giá 5,9 triệu đồng cho khách hàng. Tuy nhiên, do khách không nhận hàng nên đơn hàng của anh Vinh được đơn vị vận chuyển hoàn trả. Điều đáng nói là khi nhận lại hàng, anh Vinh phát hiện bên trong không phải là chiếc Iphone 6S Plus - món hàng anh đã gửi trước đó - mà là chiếc điện thoại Iphone 8 Plus của Đài Loan. Nghi ngờ bị đánh tráo hàng khi gửi, anh Vinh đã đến gặp nhân viên của Công ty Cổ phần Dịch vụ G.H.N., nhưng không được giải quyết thỏa đáng.  Theo anh Vinh, dù đã nhiều lần đến công ty làm việc để giải quyết sự cố, nhưng anh chỉ nhận được thái độ "đùn đẩy, từ chối" của nhân viên có trách nhiệm. Nhận thấy không thể tự thỏa hiệp được với doanh nghiệp này, anh đã tìm đến cơ quan chức năng để tìm lại quyền lợi cho mình. Sau nhiều lần làm việc với các bên liên quan, phía Công ty G.H.N. đề nghị được kiểm tra lại quy trình vận đơn, xác minh làm rõ vụ việc, sau đó đã thừa nhận sai sót và bồi hoàn số tiền 5,9 triệu đồng cho anh Vinh. Giá như ngay từ đầu, doanh nghiệp giao hàng cho kiểm tra quy trình vận đơn thì sẽ phát hiện ra sai sót, không để khách hàng đi lại nhiều lần và phải tìm đến cơ quan chức năng.

Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa)

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, trên thực tế vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình cũng như các quy định của pháp luật trong kinh doanh, nhất là dịch vụ hậu mãi sau bán hàng. Đứng trước tình thế này, người tiêu dùng cần kiên trì lên tiếng, đấu tranh đòi quyền lợi cho mình và tìm đến sự hỗ trợ của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp.

Trong kỳ hội nhập, cạnh tranh gay gắt như hiện nay, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm thì thái độ ứng xử, tiếp nhận và xử lý phản hồi về dịch vụ đối với người tiêu dùng theo phương châm “khách hàng là thượng đế” là rất cần thiết. Đó không chỉ là văn hóa ứng xử với người tiêu dùng mà còn là biện pháp hiệu quả để bảo vệ uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.