Multimedia Đọc Báo in

Diện mạo mới trong sản xuất nông nghiệp nông thôn ở Ea Kar

13:46, 09/09/2016

Sau 30 năm thành lập, huyện Ea Kar đã có những bước tiến vững chắc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, diện mạo nông nghiệp nông thôn và đời sống nông dân đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận.

Trong lĩnh vực trồng trọt, từ chỗ sản xuất độc canh cây lúa mang tính manh mún và tự cung tự cấp, đến nay, sản phẩm nông, lâm nghiệp huyện Ea Kar ngày càng đa dạng. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: lúa lai, lúa giống ở xã Cư Ni, Ea Ô, Ea Kmút, Ea Păl; vùng chuyên canh ngô tại Cư Bông, Cư Yang; vùng sản xuất mía, sắn ở Ea Sô, Ea Sar, Ea Păl; vùng tiêu, ca cao ở Cư Huê, Xuân Phú, Ea Kmút, Ea Đar và Cư Ni... Năm 2015, toàn huyện gieo trồng được 67.300 ha cây trồng các loại, tổng sản lượng lương thực đạt 153.118 tấn. Nhờ điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi, nhóm cây lương thực phát triển mạnh với diện tích 26.000 ha, trong đó, lúa nước hiện có 10.000 ha đạt năng suất 62 tạ/ha; ngô lai hơn 16.000 ha, năng suất 56 tạ/ha, không chỉ đáp ứng an ninh lương thực tại địa phương, bảo đảm nguồn thức ăn dồi dào cho phát triển chăn nuôi mà còn hướng đến xuất khẩu. Ngoài ra, toàn huyện có hơn 5.600 ha mía (năng suất bình quân đạt 600 tạ/ha) và 5.400 ha sắn (năng suất 245 tạ/ha) cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho các nhà máy tinh bột sắn và mía đường trên địa bàn huyện. Đặc biệt, những năm gần đây, cây tiêu ngày càng phát triển mạnh tại các xã với diện tích trên 2.500 ha. Trên đây là những cây trồng chủ lực tại địa phương, giá trị sản xuất đạt 100 triệu đồng/ha, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế địa phương, tăng thu nhập cho người dân.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng phát triển nhanh theo hướng tăng chất lượng thông qua các chương trình nạc hóa đàn heo, sind hóa đàn bò và hình thành các vùng chăn nuôi tập trung tại các địa phương, điển hình như xã Ea Tyh, Ea Đar, Ea Kmút... Đồng thời, phát triển chăn nuôi với phương thức công nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa, sử dụng giống tốt, thức ăn công nghiệp, bảo đảm an toàn dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường. Hiện, đàn gia súc gia cầm của huyện có hơn 2 triệu con, trong đó 5.611 con trâu, 17.622 con bò, 120.288 con heo và hơn 1,9 triệu con gia cầm. Bên cạnh đó, toàn huyện có 49 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, phần lớn đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Nhờ vậy, trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi đạt bình quân 4 -5%/năm, giá trị sản xuất ngành chiếm tỷ trọng hơn 32% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Cán bộ Liên minh Hợp tác xã tỉnh thăm mô hình trồng ca cao tại HTX Thành Lợi, xã Ea Sar.
Cán bộ Liên minh Hợp tác xã tỉnh thăm mô hình trồng ca cao tại HTX Thành Lợi, xã Ea Sar.

Nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện Ea Kar đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trong đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong các công đoạn sản xuất đạt 80 - 100%. Ngoài ra, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ như chương trình phát triển giống lúa nước chất lượng cao, Dự án Cạnh tranh nông nghiệp, Chương trình 135 hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ cho người sản xuất lúa nước theo Nghị định 35, tái canh cà phê, trợ cước, trợ giá giống cây trồng, vật nuôi, phân bón…

Một dấu ấn đáng kể của Ea Kar thời gian qua là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 – 2015, toàn huyện đã huy động được 1.770 tỷ đồng thực hiện chương trình, trong đó, vốn ngân sách 847 tỷ đồng, tín dụng 748 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp 21 tỷ đồng. Đặc biệt, người dân các xã đã tự nguyện đóng góp gần 77 tỷ đồng, 685.000 m2 đất, 43.200 ngày công lao đông và chặt bỏ 14.500 cây trồng lâu năm các loại. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 28,4 triệu đồng/người (tăng 2 lần so với năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới hiện còn 5,89% (giảm bình quân 3 – 4%/năm), đến nay, toàn huyện đạt bình quân 11 tiêu chí/xã, trong đó, xã Ea Ô đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.