Multimedia Đọc Báo in

Đường dây 500 kV Pleiku- Mỹ Phước - Cầu Bông: Nước rút trước giờ đóng điện

08:27, 23/04/2014

Sau hơn hai năm thi công trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, khó khăn của địa hình rừng núi khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ, tuyến đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông (công trình trọng điểm quốc gia) đang bước vào giai đoạn nước rút để kịp đóng điện.

Quyết tâm hoàn thành đúng kế hoạch

Khởi công vào tháng 10-2011, đến tháng 1-2014, các đơn vị thi công bắt đầu triển khai kéo dây trên toàn tuyến, với chiều dài trên 437km. Khối lượng công việc khổng lồ trong điều kiện thi công khó khăn và áp lực về thời gian khiến 15 nhà thầu xây lắp suốt toàn tuyến phải quyết tâm thực hiện “cú nước rút” mạnh mẽ. Kéo dây có thể nói là công việc nan giải nhất của toàn bộ công trình, đặc biệt là những đoạn giao nhau với đường điện trung, hạ áp hoặc đi qua khu vực rừng núi. Vì vậy, các nhà thầu phải huy động tối đa nhân lực, phương tiện và tăng thời gian thi công. Có mặt trên công trường những ngày này mới cảm nhận được không khí thi công rộn ràng, khẩn trương cùng quyết tâm cao nhất của đội ngũ kỹ sư và công nhân kỹ thuật ở đây. Phải đi khoảng 10 km đường rừng dưới cái nóng hầm hập, chúng tôi mới đến được công trường thi công tại điểm G21 – G23 qua địa phận xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, do Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á (Hà Nội) thi công. Lúc này trời đã gần đứng bóng, nhưng tất cả công nhân tại các vị trí cột vẫn đang hối hả làm việc. Tại vị trí bên suối Ea Kiết, tổ thi công đang chỉnh từng cuộn cáp lớn để chuẩn bị kéo cáp mồi lên cột. Công việc nặng nhọc đòi hỏi sức khỏe và sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng mới có thể đưa cuộn cáp lên giá giữ thăng bằng đúng vị trí. Khi cuộn cáp mồi được rải ra, người điều khiển dùng bộ đàm liên lạc với nhóm khác cách đó mấy km để đồng nghiệp cùng phối hợp thao tác kéo cáp cho thẳng bắc qua các trụ đỡ, do đường dây dài, nên công nhân phải rải dây từ 2 đầu lại rồi đấu nối tại điểm giữa.

Tại các điểm cột khác, không khí thi công cũng khẩn trương không kém, có tổ đang bắn bu lông trên cột, tổ kéo dây dẫn, tổ thì kiểm tra cáp mồi… Anh Nguyễn Công Hoàng, Phó Giám đốc kỹ thuật công ty, chỉ huy trưởng công trình cho biết, gói thầu này có tổng chiều dài hơn 11 km, đến tháng 3-2014 thì thi công xong trụ móng và bắt đầu kéo dây từ ngày 7-4, hiện đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng và dự kiến sẽ bàn giao cho chủ đầu tư vào 25-4. Để gói thầu không bị “trễ hẹn”, nhà thầu đã động viên anh em công nhân quyết tâm đẩy mạnh thi công và treo thưởng cho các tổ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời thuê thêm nhân công tại địa phương phụ giúp các công việc nhẹ, giản đơn. Các tổ thi công cắm lán tại các vị trí cột, tổ chức thi công từ 5giờ 30 sáng đến 6 giờ chiều, tranh thủ ăn trưa tại công trường. Tranh thủ phút nghỉ ngơi dưới bóng cây, anh công nhân Hồ Văn Bình (quê Quỳnh Lưu – Nghệ An) tâm sự: “Để thi công kịp tiến độ, anh em công nhân phải dựng lán trại giữa rừng, trời nắng nóng, nước sinh hoạt thiếu thốn nên gặp rất nhiều vất vả. Tuy nhiên, biết đây là công trình trọng điểm quốc gia sẽ đóng điện vào dịp mừng thống nhất đất nước nên ai cũng quyết tâm hoàn thành công việc”.

Thi công đường dây tại vị trí qua địa bàn xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar.
Thi công đường dây tại vị trí qua địa bàn xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar.

Tất cả vì dòng điện cho miền Nam

Tuyến đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông do Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia và Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư 9.288 tỷ đồng, đi qua các tỉnh Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông, Bình Phước, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Sau khi hoàn thành công trình sẽ tăng cường liên kết lưới điện truyền tải cấp 500 kV trên toàn quốc, bảo đảm kịp thời cung cấp điện cho nhu cầu tăng trưởng phụ tải của TP. Hồ Chí Minh và khu vực miền Nam giai đoạn 2014 - 2015, tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện giữa 3 nước Việt Nam – Lào - Campuchia trong những năm tiếp theo. Để hoàn thành dự án, các đơn vị thi công phải đào, đắp hơn 700.000 m3 đất, đá; đổ gần 49.000 m3 bê tông các loại, xây dựng 3.276 tấn cốt thép móng, 35.737 tấn cột thép, 21.173 tấn dây dẫn, dây chống sét, cáp quang và phụ kiện... Trong quá trình triển khai dự án, vấn đề phức tạp nhất là giải phóng mặt bằng, vì hầu như ở tất cả các địa phương có tuyến dây đi qua đều vướng vào công việc giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Nhiều khi các nhà thầu phải vừa thi công vừa chờ mặt bằng. Để có mặt bằng phục vụ thi công một cách kịp thời, chủ đầu tư và các địa phương đã nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục về giải tỏa, xử lý các vướng mắc về đơn giá bồi thường, đặc biệt là tại các vị trí móng và hành lang tuyến, cùng với việc tuyên truyền vận động, người dân nâng cao ý thức tự giác, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu trong quá trình thi công. Với phương châm, có mặt bằng đến đâu thi công đến đấy, đến thời điểm này toàn bộ công trình đang đi đúng tiến độ. Anh Đỗ Đoàn Viên, cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung cho biết, tính đến ngày 18-4, đoạn tuyến qua địa bàn Dak Lak đã hoàn thành hơn 80 % khối lượng, công việc còn lại là kéo dây và hoàn thiện sẽ được thi công dứt điểm trước 27-4 để sẵn sàng cho việc đóng điện.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.