Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm nước tưới cho cây trồng trong mùa khô: Còn nhiều thách thức

10:20, 21/04/2014

Mùa khô ở Tây Nguyên đang diễn ra ngày càng gay gắt, nhu cầu sử dụng nước tưới cho cây trồng tăng cao, trong khi mực nước ở các sông, hồ, giếng… xuống rất thấp, đã đặt ra thách thức lớn cho ngành nông nghiệp Dak Lak trong việc bảo đảm nước tưới cho cây trồng vào mùa khô.

Thiếu nước nghiêm trọng

Theo khảo sát của Sở NN-PTNT, ngay từ đầu năm 2014 các sông suối trên địa bàn tỉnh duy trì mực nước thấp hơn so với trung bình nhiều năm và có xu thế giảm thấp. Đến cuối tháng 3-2014, mực nước trên các sông, suối trong tỉnh đều duy trì ở mức thấp và lưu lượng nước giảm, đồng thời mực nước ngầm giảm mạnh, chủ yếu do khai thác quá mức để tưới cho cây trồng. Một số vùng sử dụng nước sinh hoạt từ giếng đào đến nay cũng bị khô cạn (huyện Krông Bông, Krông Ana). Hiện chỉ có các hồ lớn như: Krông Buk hạ, Ea Súp thượng, Buôn Jong là bảo đảm nguồn nước tưới, các hồ vừa phổ biến còn khoảng từ 30 - 40% dung tích nước, các hồ nhỏ mực nước phổ biến chỉ xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết, một số hồ đã cạn khô như: Hồ Buôn Jơn, Buôn Tung, Dak Tây, Liêng Krăk, Buôn Du Mah, Buôn T’lông (huyện Lak); Hồ C6 và hồ Trũng Tre (huyện Krông Năng); hồ Ia Jơi (huyện Ea Súp) đã phải bơm tưới từ đầu tháng 3 đến nay và diện tích lúa trong vùng tưới của công trình này đã gần cho thu hoạch. Riêng huyện Krông Ana các hồ nhỏ hầu hết đã cạn khô, một số hồ còn lại nguồn nước cũng rất hạn chế, mực nước hồ xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết. Ngoài ra, mực nước sông Krông Ana cũng xuống thấp, các trạm bơm phải kéo ống ra giữa sông mới có nước để bơm tưới.

Nhiều hồ nhỏ trên địa bàn tỉnh luôn rơi vào tình trạng cạn nước vào mùa khô.
Nhiều hồ nhỏ trên địa bàn tỉnh luôn rơi vào tình trạng cạn nước vào mùa khô.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 6.075 ha cây trồng vụ đông xuân bị hạn, trong đó, diện tích bị mất trắng 1.685,8 ha (gồm 1.241,2 ha lúa, 436,8ha ngô). Theo đánh giá của sở NN-PTNT, tình hình thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng, diện tích bị mất trắng tăng cao hơn so với các năm trước do không có nguồn nước chống hạn. Trước tình hình trên, các địa phương đã phải nỗ lực triển khai các giải pháp chống hạn với mọi nguồn lực huy động từ nhân dân và chính quyền địa phương như: tu sửa công trình đầu mối, huy động nhân dân nạo vét kênh mương bảo đảm dẫn nước đến ruộng; chuẩn bị nhiên liệu dự trữ, sẵn sàng đặt các trạm bơm dã chiến để bơm nước (ở mực nước chết của hồ chứa) và sông suối chống hạn; ưu tiên nước tưới cho diện tích cây giống, lúa đang trổ, tưới luân phiên và tủ gốc giữ ẩm cho cây… Nhiều vùng có hồ, đập thủy lợi bị khô cạn, nhân dân phải đào giếng trên ruộng để bơm tưới lúa; ở các khu vực dùng nguồn nước sông, suối, nhân dân tăng cường nạo vét, đào thêm kênh dẫn, đắp đập chặn dòng bơm, tát chống hạn.

Thủy lợi phát triển chưa tương xứng

Tính đến cuối năm 2013, Dak Lak có 705 công trình thủy lợi, gồm: 540 hồ chứa thủy lợi, 83 đập dâng; 81 trạm bơm và 1 hệ thống đê bao. Tổng chiều dài kênh mương trên 1.782 km, đã kiên cố hóa được 600 km kênh mương các loại, chiếm 33.66%. Các công trình thủy lợi này đang tưới ổn định cho 26.000 ha lúa vụ đông xuân, 48.000 ha lúa vụ mùa, gần 132.000 ha cà phê và 14.708 ha hoa màu các loại, đáp ứng được khoảng 75% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới. Trong khi đó, tổng diện tích gieo trồng năm 2013 của Dak Lak là 605.588 ha, trong đó, cây hằng năm gần 318.000 ha (trên 90.500 ha lúa nước, hơn 123.400 ha ngô và các loại cây hoa màu khác); cây lâu năm trên 287.000 ha, trong đó diện tích cây cần tưới khoảng 216.500 ha, gồm: 203.500 ha cà phê, 11.000 ha tiêu và 2.000 ha ca cao. Những con số trên đã cho thấy sự phát triển thiếu cân bằng giữa hệ thống thủy lợi và sản xuất nông nghiệp, đó là chưa kể nhiều công trình được xây dựng trong nhiều giai đoạn do nhiều đơn vị quản lý, sau thời gian sử dụng, khai thác, đến nay đã xuống cấp, hư hỏng, bồi lắng... không phát huy được năng lực tưới như thiết kế ban đầu; hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố hóa còn thấp, dẫn đến tỷ lệ thất thoát nước cao. Bên cạnh đó, việc khai thác và quản lý hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa thống nhất, có công trình do Công ty Quản lý và khai thác công trình thủy lợi quản lý, có công trình do Tổng Công ty cà phê kết hợp với nguồn vốn của dân đóng góp xây dựng và tự quản lý, trong  khi nhiều công trình thủy lợi nhỏ thì giao cho huyện, xã quản lý…, chính vì vậy nên việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa, quản lý, khai thác chưa được quan tâm đúng mức.

Theo Sở NN-PTNT, nguồn ngân sách của tỉnh đầu tư sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng còn rất hạn chế, không kịp thời, nên số công trình bị hư hỏng cần sửa chữa ngày càng tăng thêm. Do vậy, để giải quyết bài toán nước tưới cho cây trồng vào mùa khô, hằng năm Sở luôn yêu cầu các địa phương thực hiện tốt các giải pháp tình thế như tu sửa, nạo vét kênh mương bảo đảm dẫn nước tưới đến ruộng, khuyến cáo người dân thực hiện sản xuất theo kế hoạch, không gieo trồng trên diện tích không bảo đảm nguồn nước tưới, phân loại cây trồng để xếp thứ tự ưu tiên cấp nước tưới (ưu tiên cây giống, lúa đang trổ, giữ ổn định diện tích cà phê, tiêu ... ), khai thác nước phù hợp và sử dụng tiết kiệm.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.