Multimedia Đọc Báo in

Trên những nẻo đường biên... (Kỳ 1)

06:16, 29/09/2021

Giữa những ngày dịch bệnh COVID-19 diễn tiến phức tạp, khó lường thì khu vực biên giới tỉnh vẫn yên bình sắc xanh. Giữ cho màu xanh ấy có những bước chân lặng thầm in dấu trên những cung đường, con suối, cánh rừng bất kể ngày đêm...

Kỳ 1: Nhiệm vụ kép giữa đại ngàn

Là lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 trên biên giới, nhiệm vụ và nhịp độ công việc của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh thời gian qua tăng lên gấp nhiều lần. Bất kể thời gian, thời tiết, những người lính quân hàm xanh vẫn vững bước quân hành trên mọi nẻo đường để giữ bình yên nơi biên cương Tổ quốc, ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua biên giới.

Đêm trắng giữa rừng

12 giờ đêm. Khi vạn vật chìm trong bóng tối, âm thanh của núi rừng càng hiển hiện rõ nét, với tiếng gió đại ngàn hòa lẫn trong tiếng xào xạc của lá rừng và tiếng kêu văng vẳng của muôn loài. Chuẩn bị đầy đủ quân tư trang cần thiết, tổ tuần tra của Trung úy Y Bun Tiên H’wing (Đội trưởng Đội Tham mưu Hành chính, Đồn Biên phòng Ia R’vê) bắt đầu lên đường.

Xuyên đêm vắng, cả tổ thận trọng di chuyển, đồng thời tập trung quan sát, lắng nghe không gian rừng. Có những đoạn, để bảo đảm an toàn, bí mật, ánh đèn pin được điều chỉnh như nhòa với màn đêm khi phát hiện có âm thanh, dấu hiệu lạ. Con đường tuần tra vẫn còn ướt đẫm sau cơn mưa chiều, những bước chân thêm trơn trượt, lấm lem bùn đất nhưng vẫn kiên trì rẽ từng bụi cây, không để đứt đoạn hành trình. Khép vòng tuần tra khi bình minh vừa ló rạng, những ánh mắt lấp lánh niềm vui với sự bình yên nơi biên ải.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh tuần tra biên giới.

Sinh ra và lớn lên ở xã vùng biên Krông Na (huyện Buôn Đôn) nên Trung úy Y Bun Tiên H’wing vô cùng thấm thía giá trị thiêng liêng của chủ quyền an ninh biên giới. 8 năm có mặt trên tuyến đầu Tổ quốc, anh cùng đồng đội như thuộc nằm lòng địa bàn, quen thuộc gắn bó đến từng tán cây, bìa rừng, con suối... với bao kỷ niệm vui buồn theo những bước chân tuần tra.

Tháng 5-2021, khi còn công tác tại Đồn Biên phòng Yok M’Bre, anh cùng đồng đội đã trải qua gần một tháng mật phục giữa rừng xanh. Thời điểm ấy, đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát mạnh trong nước, nhận rõ tính cấp thiết của việc ngăn dịch xâm nhập qua biên giới, tổ tuần tra xuyên rừng làm nhiệm vụ. Hơn 11 giờ đêm, chưa kịp ngả lưng sau cả ngày mệt nhoài thì các chiến sĩ đã phải căng mắt sẵn sàng ứng phó khi nghe tiếng cây lá ngả nghiêng ầm ào. Một đàn voi rừng hơn 10 con như đội binh khổng lồ đang rầm rập hướng về khu lán tạm của tổ tuần tra. Hối hả thu gom vật dụng, di chuyển đến địa điểm đóng quân khác, cả tổ trải qua một phen hú vía, nhưng cũng rất vui vì đã giữ an toàn cho cả người và voi. Trung úy Y Bun Tiên H’wing tâm tình: “Ở đây quen rồi nên biết, cứ tầm thời điểm này, đàn voi rừng vẫn thường hay qua lại. Chỉ cần mình biết cách sẽ bảo vệ được bản thân và bảo vệ cho loài vật thông minh, đáng yêu này…".

Những “lá chắn” dọc đường biên

Cuộc chiến không tiếng súng chống "kẻ thù" COVID-19 vẫn còn nhiều cam go. Dọc tuyến biên giới dài hơn 73 km tiếp giáp tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia), các chốt kiểm soát của Bộ đội Biên phòng tỉnh như những lá chắn thép bao bọc đường biên.

Kiểm soát lượng người vào, ra khu vực biên giới nhiều nhất có lẽ là Chốt liên ngành của UBND tỉnh trên Quốc lộ 14C (đoạn biên giới nằm giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông). Từ khi được thành lập và giao nhiệm vụ chủ trì, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cùng các lực lượng công an, y tế thường xuyên túc trực, chốt chặn. Có thời điểm, cả trăm người và phương tiện di chuyển từ vùng dịch các tỉnh phía Nam qua khu vực này, buộc lực lượng phải căng mình kiểm tra, nắm bắt tình hình, ghi chép đầy đủ giờ đến, lịch trình di chuyển, thông tin của từng người, bảo đảm nghiêm việc phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Lực lượng làm nhiệm vụ tại Chốt phòng dịch trên Quốc lộ 14C kiểm tra giấy tờ và đo thân nhiệt người vào, ra khu vực biên giới.

Đồn Biên phòng Ea H’leo là đơn vị duy nhất trên tuyến biên giới của tỉnh triển khai hai chốt phòng, chống dịch cố định, lần lượt cách đơn vị 6 km và 9 km. Trong đó, chốt ở thôn Nhạp (xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp) nằm giữa bao la rừng khộp, đóng quân xa nhất trên đường biên. Khu vực này tiếp giáp tỉnh Gia Lai, nhiều đối tượng lợi dụng để vượt biên trái phép đã bị các chiến sĩ phát hiện, ngăn chặn. Cũng bởi tính chất, địa hình phức tạp hơn, nên vừa qua, đơn vị được tăng cường thêm 6 cán bộ và chó nghiệp vụ, thêm nguồn lực để có thể kịp thời xử lý hiệu quả nhiều vụ việc. Chỉ riêng năm 2021, lực lượng đã trực tiếp bắt giữ, xử lý 6 vụ với 19 đối tượng vi phạm quy chế biên giới; phối hợp điều tra, xử lý 7 vụ với 9 đối tượng vi phạm pháp luật.

Tương tự, tại Chốt kiểm soát phòng dịch Đồn Biên phòng Ia R’vê, cán bộ, chiến sĩ không một phút lơ là công tác tuần tra kiểm soát, chống vượt biên trái phép. Nhờ đó mà nhiều vụ việc vi phạm quy chế biên giới đã được các anh nắm bắt, xử lý kịp thời. Điển hình như cuối tháng 4 vừa qua, từ tin báo của một tổ chốt về tiếng xe máy với nhiều dấu hiệu nghi vấn vào lúc hơn 1 giờ sáng, đơn vị đã phối hợp với công an địa phương tổ chức đón lõng, bắt gọn các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh chia sẻ: “Với quyết tâm không để dịch bệnh lây lan qua đường biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh hiện triển khai 9 chốt cố định, 7 chốt lưu động và duy trì từ 14 đến 16 tổ tuần tra, kiểm soát hằng ngày. Nơi rừng thẳm bất kể đêm ngày, nắng mưa, cán bộ, chiến sĩ vững tin làm nhiệm vụ nhằm khép kín đường biên, bảo vệ nghiêm ngặt khu vực biên giới”. 

Từ đầu năm đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai hàng nghìn tổ, đội với trên 18.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát, mật phục bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức đăng ký cho gần 16.300 lượt người và gần 12.000 phương tiện ra, vào khu vực biên giới; xử lý 27 vụ với 62 đối tượng vi phạm pháp luật.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Bền lòng bám chốt

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.