Multimedia Đọc Báo in

Sức trẻ ở vùng căn cứ

08:27, 15/09/2022

Gắn bó với vùng đất giàu truyền thống cách mạng, thế hệ trẻ ở Cư Pui, huyện Krông Bông ngày nay đã và đang nỗ lực từng ngày để xứng đáng với công lao, sự hy sinh của cha ông.

Thu hút đoàn viên bằng nhiều hoạt động bổ ích

Tham gia hoạt động Đoàn nhiều năm, sau khi tốt nghiệp THPT năm 2006, Y Thăm Byă (SN 1986) được bầu làm Bí thư Chi đoàn buôn Đắk Tuôr, được tạo điều kiện đi học sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị. Năm 2010, Y Thăm được bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã Cư Pui. Sau 5 năm hoạt động năng nổ, tích cực, Y Thăm trở thành thủ lĩnh Đoàn của xã vùng III Cư Pui.

Để đảm trách tốt nhiệm vụ được giao và đáp lại sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, Y Thăm không ngừng nỗ lực học tập, năm 2021 đã tốt nghiệp đại học tại chức Luật diện cử tuyển. Cùng với trau dồi kiến thức, Y Thăm không ngừng học hỏi kỹ năng hoạt động Đoàn. Nắm bắt tâm lý của đoàn viên thanh niên nông thôn, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số phía Bắc sinh sống trên địa bàn xã chủ yếu chăm lo phát triển kinh tế, chưa mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động phong trào, Y Thăm đã xây dựng các đội hình xung kích đổi công giúp nhau trồng tỉa, thu hoạch mùa màng, chăn nuôi gia súc... Qua đó, tạo sự gần gũi, gắn kết cộng đồng.

Bí thư Đoàn xã Cư Pui Y Thăm Byă thăm hỏi đối tượng chính sách ở buôn Đắk Tuôr.

Không những vậy, nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, Y Thăm thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, thắp nến tri ân tại các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn xã như: Hang đá Đắk Tuôr, Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Y Ơn Niê.... Bên cạnh đó, thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, việc thực hiện công trình thanh niên, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao... mà Đoàn xã tổ chức cũng tạo “sân chơi” bổ ích cho đoàn viên thanh niên, học sinh các trường trên địa bàn cùng học hỏi, tìm hiểu lịch sử để thêm tự hào về vùng đất, con người Cư Pui.

Y Thăm chia sẻ: “Nhờ có sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, địa phương, sự nỗ lực vươn lên của người dân, buôn Đắk Tuôr cũng như xã Cư Pui ngày càng thay da đổi thịt. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh, nhiều thanh niên nông thôn phải đi nơi khác tìm việc làm... Thời gian tới, Đoàn xã sẽ đồng hành nhiều hơn nữa cùng chính quyền, đoàn thể địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động đưa trẻ đến trường và ngăn chặn tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng”.

Đảng viên trẻ nêu gương làm kinh tế

Năm 2004, Ngân Văn Huỳnh (SN 1992, dân tộc Mường) rời quê hương Thanh Hóa, cùng gia đình vào sinh sống, lập nghiệp ở thôn Dhung Knung (xã Cư Pui). Trong thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, nhờ phấn đấu rèn luyện, huấn luyện tốt, Huỳnh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 20 tuổi.

Ra quân năm 2013, Huỳnh trở về vùng đất Cư Pui lập gia đình và tham gia các hoạt động của địa phương. Được tín nhiệm bầu làm thôn đội trưởng, Huỳnh đã cùng cấp ủy, ban tự quản thôn và dân quân tự vệ tham gia công tác tuyên truyền, vận động, phòng chống dịch, tuần tra, kiểm soát giữ gìn an ninh trật tự địa bàn.

Mô hình chăn nuôi dê của đảng viên trẻ Ngân Văn Huỳnh ở thôn Dhung Knung.

Với tâm niệm là đảng viên phải nêu gương, nhất là trong làm kinh tế giúp nhau vươn lên xóa đói giảm nghèo, Huỳnh đã tìm tòi các mô hình phát triển kinh tế trên mạng Internet hoặc đến tận nơi để học hỏi. Cùng với trồng, chăm sóc 2,2 ha điều, cà phê và 1 sào lúa nước, Huỳnh đã phát triển thêm chăn nuôi dê bằng việc tận dụng diện tích đất đồi sau nhà bị bỏ hoang nhiều năm (vì rất dốc, đá lởm chởm không thể canh tác nông nghiệp). Ban đầu chỉ vài con, rồi phát triển lên vài chục con dê, sau gần 3 năm đã thu được gần 100 triệu đồng. Vợ chồng Huỳnh đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ phương tiện, máy móc phục vụ sản xuất, đời sống.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, hiện nay, Huỳnh đang thử nghiệm chuyển qua giống dê Boer có nguồn gốc ở Nam Phi với đặc điểm nổi bật là lớn rất nhanh và cho sản lượng thịt nhiều hơn các loại dê cỏ thông thường, giá bán cao hơn. Sau một thời gian, giống dê mới đang cho triển vọng tốt, đã sinh sản thêm dê con. Huỳnh ấp ủ: “Hiện toàn thôn đã có khoảng 30 hộ nuôi dê. Khi thành công với giống dê Boer sẽ nhân rộng cho các hộ trong thôn, đồng thời đề xuất xã hỗ trợ thành lập thành lập tổ hợp tác nuôi dê nhằm giúp nhau phát triển kinh tế”.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.