Multimedia Đọc Báo in

Ai lên núi Brah Yàng

06:18, 24/03/2022

Tôi từng miên man nghĩ, ai đã đặt tên cho núi Brah Yàng - một ngọn núi uy nghi tĩnh tại từ ngàn xưa trên miền đông của cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng)? Không ai trả lời được. Cả không gian núi rừng và những buôn làng trầm mặc kia dường như đã trở nên kiên gan với năm tháng, với cả những suy lý cao siêu…

Chỉ thấy một dãy núi vẫn cao ngút, thẫm xanh và hai dòng suối Dà Rơyàm và Dà Rơyồng vẫn ôm lấy chân núi, cùng cần mẫn tải ra dòng nước mát ban tặng cho những cánh đồng Gùng Ré, Kala, Brus thêm thơm hạt gạo, cho tiếng hát, tiếng cồng chiêng vẫn âm vang trong những dịp cúng Yàng khẩn cầu niềm vui mới. Qua nhiều lần lang thang cùng những người anh em dân tộc Kơ Ho, tôi mới phát hiện ra, trong tiếng của họ, Brah và Yàng đều là nhiên thần và phúc thần. Hóa ra, đây là núi Chúa, núi thiêng, núi gắn liền với huyền thoại và tín ngưỡng đa thần. Chính bằng niềm tin hồn nhiên, đồng bào bản địa nơi đây đã thiêng liêng hóa cho buôn làng mình, cho ngọn núi quê hương đã hắt bóng xuống bao nhiêu lớp người đã và đang đi về với núi.

Đại ngàn thăm thẳm.

Năm nay, tôi về với bà con các buôn Kala, Tali, Hàng Ùng, Kròt bên triền núi Brah Yàng cùng niềm ao ước được đắm mình trong trong không khí vui Tết Nhô lir bông và Nhô rơhe nhưng già làng K’Bờu buồn bã nói: “Không còn lúa rẫy lấy gì đậy nắp bồ, bà con mình bây giờ chỉ ăn mừng Noel thôi”. Phải rồi, tiếng máy cày, tiếng máy bóc vỏ cà phê, tiếng chuông điện thoại giờ đây đã thay cho tiếng mõ rừng chiều, tiếng chuông gió tiăng liêng đuổi chim mùa rẫy, tiếng khèn sừng trâu gọi bạn về bên ché rượu cần. Văn hóa phát, đốt, chọc, trỉa và cái Tết cổ truyền giờ đây đã chìm vào trong nỗi nhớ dai dẳng của người già. Đêm hôm ấy không có Tết nhưng bà con buôn Kròt Đờng vẫn tụ về bên bếp lửa đậm màu sơn cước của già làng K’Bờu nghe cụ chầm chậm kể chuyện ngày xưa chàng K’Iah lấy tiên trên núi Brah Yàng. Lời kể trải đều trên thanh âm của gió đại ngàn và tiếng suối Dà Rơyàm như đưa chúng tôi về thuở muông thú và con người chung tiếng nói, thuở thần linh và con người giao hảo tình thông gia. Câu chuyện kể về quá vãng xa xăm nhưng sức sống của nó vẫn trở về trong thực tại với linh thiêng vách đá trên núi, tương truyền là nhà vợ chàng K’Iah và con đường trải dài lá chuối rừng mời thế giới siêu nhiên về với chốn phàm trần trong lễ hội Nhô wèr (lễ cầu mùa) mà bà con vẫn duy trì khi lúa thì con gái. Ngày nay, đồng bào Kơ Ho ven chân núi Brah Yàng vẫn còn truyền tụng lời của người già là ai tìm được bát nước thần mà chàng K’Iah khi xưa dùng rửa mặt mới có thể gia nhập vào thế giới thần linh nhà vợ thì sẽ mở ra được một thế giới huyền bí trong lòng ngọn núi thiêng này.

Đêm đã về khuya, bếp lửa trong ngôi nhà dài của già làng vẫn rực đỏ. Cụ K’Bờu đã nhường lời cho tiếng hát tàm pla của chị Ka Đes và chị Ka Dìm đối đáp với anh K’Bôih và anh K’Sung về những mối tình bên dòng Dà Rơyàm và Dà Rơyồng. Men rượu cần cùng món thịt heo hun khói và cà đắng nấu với da trâu đã làm mọi người trở nên phấn khích. Họ đã thực sự hóa thân để trở thành chủ nhân của văn hóa dân gian miền Thượng. Bất giác, tôi tự hỏi: Không biết bao nhiêu lớp người đã qua và cả bao nhiêu người sạm màu sương nắng bên bếp lửa đêm nay đây đã đi tìm bát nước thần? Phải chăng họ đã đi tìm khát vọng sống trên cao nguyên hùng vĩ từ niềm tin vào thế giới thần linh mà ông bà xưa truyền dạy?

* * *

Mờ sáng hôm sau, anh K’Sét, K’Brét cùng một cựu sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đến giục tôi: “Lên núi thôi, lên núi tìm bát nước thần chớ”.

Thế là chúng tôi lên đường với bộ đồ đi rừng. Thú nhất là ai cũng được mang gùi và vác xà gạc. Chỉ có điều, gùi ba người kia đều đựng đồ ăn, thức uống còn gùi của tôi trống rỗng hoàn toàn. Họ sợ tôi không mang nổi bất cứ thứ gì trong cuộc hành trình này. Gần nửa ngày đường trên từng bậc núi, tôi mới cảm nhận hết sự hùng vĩ của dãy núi Brah Yàng. Không gian dưới kia đã trở nên nhỏ bé mà mênh mông, cụ thể mà mơ hồ huyền ảo trong sắc vàng nhạt của cao nguyên chuyển mùa.

Tôi chợt liên tưởng đến triết lý “đăng sơn ức hữu” (lên núi, nhớ bạn) của các bậc tao nhân, mặc khách phương Đông. Họ lên núi để thỏa chí tiêu dao, để ngẫm về sự đời, về cái hạn hữu, cái vô cùng vô tận và được ngóng về phương xa nhớ bạn xưa, cố quốc. Hôm ấy, trên đỉnh núi uy linh này, tôi không có được triết lý kia nhưng tự ngẫm: Ngàn vạn lớp người nào đã khai sơn, phá thạch để dựng xây nên dải đất cao nguyên mênh mang và trù phú này? Những dãy núi mờ xa tít tắp tận chân trời có còn ôm chứa bao nhiêu hồn cốt của những mảnh đời đã hóa thân thành tên núi, tên sông nơi đây? Những lối mòn nào trên núi này đã in dấu chân của A.Yersin, J.Cassaignes và J.Dournes để họ hướng về cao nguyên Blao, Langbiang và tận xứ Bắc Tây Nguyên với con mắt nhân văn và đồng cảm?

Ngày hội dưới chân núi Brah Yàng.

Chúng tôi dừng chân ngay tại khoảnh vườn hoang có nhiều cây ăn trái không biết ai đã trồng từ thuở nào trên đỉnh núi. Bên cạnh đó là gò đá cao chót vót, vách thành dựng đứng bám đầy những cây đa cổ thụ, rễ vươn dài hàng chục mét. K’Vinh hét lên: “Bát nước thần đây rồi”. Tất cả chạy ùa đến vách đá. Không thấy gì ngoài đá, cây cối ngút ngàn và một lạch nước nhỏ trong vắt như được chắt ra từ đá, từ đất, từ cây cối của rừng già. “Ơi núi!” Tiếng trầm hùng của K’Sét vang lên dội vào vách đá đã tạo nên lời đồng vọng của núi “ơi…ơi…núi…núi”.

Từ độ cao 1.700 m, chúng tôi càng cảm nhận rõ khí huyền thiêng lạ kỳ tỏa ra từ núi. Hèn gì lúc tiễn chúng tôi, cụ K’Bờu cứ dặn đi, dặn lại là nếu chặt phá cây cối hoặc mang trái cây xuống núi sẽ bị lạc đường. Đó là luật tục của thế giới siêu nhiên ư? Không ai biết nhưng cũng không ai dám phạm vào điều đó. Anh K’Sét, K’Brét cho biết, hơn 30 năm trước, trên dãy núi này có cơ man nào nai, hoẵng, voi, cọp, trăn, rắn và cả đại bàng. Họ rầu rĩ: “Bây giờ thì hiếm lắm, chúng sợ con người nên trốn hết rồi”. K’Vinh vẫn vui vẻ hát vang bài Giấc mơ Chapi của Trần Tiến: “Ai yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn… ơi Chapi, Chapi…”.

Tiếng hát của chàng trai rơi thõm vào không gian âm âm u u của rừng già nhưng hợp cảnh và có sức gợi kỳ lạ. Loáng thoáng trong rừng cây đại ngàn, bóng dáng của những người đàn ông vác xà gạc, những người đàn bà lúi húi mang gùi. Họ đi đâu? Đi lang thang. Đi tìm bát nước thần ư? Không, để thỏa chí lang thang. Tôi hiểu ra rồi, những cư dân có mấy ngàn năm âm thầm sống gắn bó, thân thiện với rừng, rừng là tất cả, nay vẫn nhớ rừng và về với rừng. Họ lang thang trên núi có thể không chỉ vì một nắm rau rừng, một vài con cá suối và dăm bảy cuộn dây mây đan gùi mà có thể vì nỗi nhớ rừng quay quắt. Và biết đâu, có người đàn ông nào đó đã vĩnh viễn thuộc về nhà vợ ở xứ Brah Yàng này, lên núi để được ngóng về Blao, Tân Châu, Tân Thượng cố hương mờ hút…

* * *

Phía dưới kia, thị trấn Di Linh và Quốc lộ 20 vẫn tấp nập xe cộ và sắc màu hiện đại nhưng dãy núi này lại thuộc về một thế giới khác - thế giới của tâm linh và lời đồng vọng của tâm thức núi. Đồng bào Kơ Ho tụ cư dưới chân núi và men theo dòng Dạ Rơyàm và Dạ Rơyồng này dù có theo tôn giáo nào thì trong lòng họ vẫn linh thiêng thần núi Brah Yàng. Những chiếc trống da nai, những bộ chiêng Droòng, chiêng Bor quý giá dù có thất tán phương nao nhưng nay thanh âm tiếng trống, tiếng chiêng vẫn được tấu lên mời gọi thần linh và cộng đồng về vui chung ngày hội. Màu xanh của lá chuối rừng hằng năm vẫn được trải ra thành con đường vắt qua cánh đồng Brus thỉnh cầu Thần về buôn ban phước cho dân làng trong dịp Nhô wèr và Nhô sa rơpu. Năm tháng đi qua, thế giới hữu linh và hữu hình vẫn đi về có nhau, điểm tô cho dáng núi thêm uy nghi, tĩnh tại, cho hồn núi càng thiêng liêng như ước vọng ngàn đời của ông bà xưa trên dải đất cao nguyên này…

Đặng Trọng Hộ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.