Multimedia Đọc Báo in

Cư Drăm biến khó khăn thành lợi thế

08:04, 12/01/2023

Là xã vùng sâu của huyện Krông Bông, xã Cư Drăm hiện có 2.172 hộ, 10.375 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Từng được xem là vùng đất có địa hình, tự nhiên không thuận lợi nhưng thời gian qua, chính quyền và người dân xã Cư Drăm đã và đang biến những đặc điểm đó thành lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội.

"Quả ngọt" trên đất đồi dốc

Hàng nghìn héc-ta đất đồi dốc, rừng nghèo trước đây bị bỏ hoang thì giờ được các hộ dân tận dụng để trồng cây keo lai, dứa đồi, điều, cây ăn quả, chăn nuôi dưới tán rừng... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê, hiện nay người dân Cư Drăm đã trồng hơn 700 ha cây keo lai, trong đó nhiều diện tích đã cho thu hoạch lần 2, lần 3, lợi nhuận từ 80 - 150 triệu đồng/ha. Ngoài ra, xã còn có hơn 800 ha dứa đồi, trong đó 740 ha đã đi vào kinh doanh, lợi nhuận từ 120 - 160 triệu đồng/ha; gần 120 ha cây ăn quả các loại như sầu riêng, vải thiều, nhãn lồng, cam, quýt... Nhiều gia đình có diện tích đất đồi, độ dốc lớn nay được sử dụng hiệu quả, mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Điển hình như gia đình anh Trần Văn Thắm (thôn 2) tận dụng diện tích đất đồi dốc đã trồng gần 15 ha dứa đồi và 25 ha keo lá tràm; trong đó, 10 ha dứa đã cho kinh doanh, mỗi năm thu về từ 500 - 700 triệu đồng; 7 ha cây keo lai đã khai thác năm 2019, thu về hơn 700 triệu đồng. Hay gia đình anh Nguyễn Văn Hùng (thôn 1) hiện có 20 ha dứa đồi đang cho thu hoạch, thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng sau khi trừ hết chi phí; gia đình anh Ma Văn Hà (dân tộc Mông, ở thôn Cư Dhắt) với hơn 10 ha cây keo lai, một số diện tích đã cho khai thác.

Vườn vải thiều của gia đình ông Trần Thế Thành (ở thôn 2, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) đã cho thu bói năm đầu.

Nhiều hộ dân đã nghiên cứu, tìm hiểu chuyển đổi sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương như sầu riêng, dổi, mắc ca, vải thiều... Hiện nay xã Cư Drăm có hơn 5.000 cây sầu riêng được trồng độc canh và xen canh; một số gia đình đã mạnh dạn trồng các loại cây trồng mới thay thế cây hồ tiêu như mắc ca, vải thiều, nhãn lồng, dổi lấy hạt... Không ít hộ đồng bào Mông cũng đã biết trồng các loại cây dài ngày, mang lại lợi nhuận kinh tế cao như hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả...

Xã vùng sâu thu thuế đứng thứ hai của huyện

Tận dụng lợi thế ở trung tâm các xã phía đông của huyện Krông Bông, nằm trên trục Tỉnh lộ 12, có đường Đông Trường Sơn đi qua, lại có chợ trung tâm cụm xã nên Cư Drăm đã chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ. Hiện nay hầu hết ở các thôn, buôn của xã Cư Drăm đều có các hộ kinh doanh cá thể với đa dạng các mặt hàng từ hiệu thuốc tây, cửa hàng bán xe máy, cửa hàng vật liệu xây dựng, nông dược, phân bón, lương thực, thực phẩm, quần áo may sẵn đến các hiệu tạp hóa bán đầy đủ các loại đồ dùng thiết yếu phục vụ tiêu dùng hằng ngày. Vì vậy, tuy là xã vùng sâu nhưng Cư Drăm là địa phương thu thuế và các loại phí đứng thứ hai của huyện. Riêng năm 2022, xã Cư Drăm đã thu ngân sách 1,183 tỷ đồng, đạt 204% chỉ tiêu huyện Krông Bông giao.

Nhiều gia đình người dân tộc Mông ở thôn Cư Dhắt đã đưa cơ giới vào sản xuất.

Tuy nhiên, hộ nghèo của Cư Drăm hiện vẫn còn cao với tỷ lệ 45,1%, xã mới đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, chính quyền xã Cư Drăm khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi cây trồng phù hợp, hiệu quả, bền vững; tận dụng hết đất đai để trồng trọt, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản; tìm đầu ra ổn định cho nông sản của người dân; kiến nghị với cấp trên mở rộng, nâng cấp chợ trung tâm xã Cư Drăm đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân... Ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cư Drăm cho biết: “Xã Cư Drăm nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Giai đoạn 2021 - 2025, xã được đầu tư với tổng kinh phí dự kiến khoảng 19 tỷ đồng từ các dự án của Chương trình để xây dựng, nâng cấp đường giao thông nội vùng; xây dựng kênh mương, hệ thống thủy lợi nội đồng; tiếp tục đầu tư xây dựng kiên cố 4 trường học trên địa bàn xã; đầu tư thêm 2 tỷ đồng nâng cấp hệ thống nước sạch tự chảy ở các buôn đồng bào thiểu số”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.